Bé gầy ốm quá! ngày càng gầy đến trơ xương bạn phải làm gì?

0
2917

Không rõ các đồng nghiệp của tôi thế nào chứ tôi cứ bị bà con trách hoài khi họ trông thấy các con tôi: Con bác sĩ gì mà ốm nhom vậy! Trong ý những bà con bạn bé thân yêu đó của tôi thì con một bác sĩ phải mập mạnh hơn người. Tôi không biết nói sao chỉ cười trừ. Nhưng tôi biết rõ một điều là chúng có ốm nhom thực, nhưng không bệnh hoạn, thế đủ rồi. Hình như “nó” có thời kỳ. 

Câu chuyện về đứa bé ngày càng gầy mà  blogmebimsua.com đưa ra sau đây hy vọng giúp ích được cho các mẹ.

Câu chuyện về đứa con gầy ốm của tôi

Bé LN bụ bẫm cho đến tháng thứ năm thứ sáu gì đó rồi thì bắt đầu gầy teo lại. Đó cũng là thời kỳ bé bắt đầu mọc răng, biếng bú, cũng là thời kỳ bé được chích ngừa các thứ bệnh bại liệt, ho gà, uốn ván, bạch hầu… ít nhiều làm bé khó ở, ảnh hưởng phần nào đến sự thèm ăn. 

bé ngày càng gầy ốm

Tiếp đó, đến thời kỳ bỏ bú (cai sữa), bé được cho ăn thêm những thức ăn lạ. Bé ốm nhom năm ba tháng rồi khá trở lại vì đã thích nghi được hoàn cảnh mới. Bé ăn nhiều, ngủ nhiều. Có da có thịt nhưng không bụ bẫm nữa – Giữa năm thứ hai, bé lại ốm teo lại. Bé mới đi vững, ham đi lắm, thích leo trèo, phá phách. Rồi học nói. Nói như sáo. Đó cũng là thời kỳ bé phát triển mạnh về tinh thần.

Cuối năm thứ hai, bé biết chống đối, muốn độc lập, không ngoan nữa mà lúc nào cũng “không, không”. Cũng vừa lúc bé có thêm đứa em, ganh tị với em… Một thời gian sau bé lại khá lên, mập lên cho đến lúc ba tuổi vào học vườn trẻ, bé lo lắng, bỏ ngủ trưa, mệt và dĩ nhiên lại gầy ốm lại. Bé KH khá hơn. 

Lúc mới sinh nặng ký hơn chị, tính tình ít lo lắng, ngủ dễ, ăn nhiều và vì thế bé rất khá. Nhưng vì không được chích ngừa ho gà, bé bị một trận ho gà tơi tả, không ăn uống gì được nên ốm nhom sau đó. Như vậy theo tôi bé có thể gầy ốm hay mập mạp tùy từng thời kỳ tăng trưởng, chịu ảnh hưởng cả sinh lý lần tâm lý, dĩ nhiên không kể yếu tố di truyền. 

Khi bé biết đi, ham leo trèo, bé dễ bị gầy ốm vì hoạt động nhiều. Khi bé bị dứt sữa, xa mẹ, ganh tị với em, mọc răng, phát triển cá tính… bé cũng dễ biếng ăn mà gầy ốm. Bé nào tính tình hay lo lắng, khó ngủ, ít ăn không làm sao có thể mập nổi. Ngược lại, bé nào nằm xuống ngủ khò, ăn vặt “chuyên môn” thì dù có muốn gầy cũng không được.

Nguyên nhân của sự gầy ốm ở bé

Có nhiều nguyên nhân gây sự gầy ốm của bé. Nếu ở các nước tiên tiến Âu Mỹ, yếu tố quan trọng là yếu tố thần kinh tâm lý thì ở xứ ta, bệnh tật và thiếu dinh dưỡng vẫn còn là những nguyên nhân gần gũi.

Trước hết, ta kể, yếu tố di truyền: cha mẹ mảnh khảnh, ít ăn thì con cái cũng mảnh khảnh, ít ăn là lẽ tự nhiên. Một bà mẹ phốp pháp, gánh hàng rong nào cũng gọi vào thì bé cũng dễ trở thành phì lủ. 

bé ngày càng gầy ốm

Một vài bệnh truyền nhiễm thường có ở xứ ta như viêm phế quản, tiêu chảy cũng làm bé gầy ốm rất mau. Một vài bệnh khác cũng làm bé gầy ốm, có tính kinh niên phải chữa lâu dài và bồi bổ lâu dài mới lại sức, chẳng hạn bệnh lao phổi, lao hạch, bệnh viêm a-mi-đan và sau cùng không được quên bệnh sán lãi.

Muốn cho bé lên cân thì phải chữa tận gốc bệnh. Hết bệnh, bé mới thèm ăn và mới lên cân. Thuốc bổ đóng một vai trò rất thứ yếu, thường là không cần thiết, trừ phi bác sĩ thấy thiếu một vài chất nào đó như thiếu chất sắt, thiếu sinh tố…

Trẻ suy dinh dưỡng vì thiếu ăn cũng có, nhưng không đến nỗi, dù trong thời buổi kinh tế khó khăn này, tôi nghĩ vậy. Dù sao thì cha mẹ cũng có thể nhịn cho con ăn. Thường trẻ ốm mà vì thiếu ăn là do kiêng cữ quá đáng và ăn uống sai lầm. Sau những lần bệnh tiêu chảy, ban đỏ… nhiều bé bị bắt cữ ăn hàng tháng, cuối cùng bị ốm đói. Nhiều lần, trước những trẻ bị bệnh này, tôi đùa “thà để bé chết đói còn hơn là chết vì bệnh, phải không?” 

Trường hợp ăn uống không đúng cách làm cho bé bị gầy ốm còn nhiều hơn: bé hơn một tuổi rồi rồi mà vẫn nhơi nhơi vú da của mẹ mãi, không chịu cho ăn thêm các thức ăn khác hoặc bú sữa pha chế không đúng cách, bị rối loạn dinh dưỡng sinh ói mửa, tiêu chảy. Bé bị cho ăn toàn bột vì mẹ tin tưởng những lời quảng cáo tưởng bột có thể thay thế cho sữa (xem Thực phẩm của bé).

Một đôi khi, nhất là ở các gia đình khá giả, trung lưu, bé gầy ốm vì nguyên do tâm lý. Một bé bị chê gầy, chê ốm, rồi ép ăn, bắt tẩm bổ đủ thứ dễ phản ứng lại bằng cách bỏ ăn, không thấy thèm ăn nữa. Một bé đau mới mạnh thèm ăn thứ này lại bị ép ăn thứ kia “cho bổ” cũng có cùng tâm trạng. Những bé hay lo âu ganh tị thường là những bé gầy ốm – Lo lắng, ganh tị, mặc cảm làm ăn mất ngon, lại tiêu hao một số năng lượng khá lớn.

Cách chữa trị cho bé gầy ốm quá mức

Chữa trị như vậy tùy trường hợp. Nếu là một trường hợp tâm lý thì phải tìm cách giải tỏa những ẩn ức của bé, làm cho bé hết lo sợ, hết ganh tị, không mặc cảm từ đó mới ăn được, ngủ được và lên cân. Bé hoạt động quá phải được nghỉ ngơi, ngủ nhiều hơn, mới có thể mập được. Dù sao, nếu bé gầy ốm quá cũng cần phải tìm xem nguyên nhân ở đâu. Nếu có bệnh, lao, sán lãi, thiếu sinh tố, thiếu sắt… chữa cho hết bệnh sẽ làm cho bé lên cân trở lại mau chóng. 

bé ngày càng gầy ốm

Trường hợp tâm lý thì phức tạp hơn nhưng cũng có thể chữa trị được. Thấy bé ngày càng gầy ốm, tự ý mua một lô thuốc bổ về cho uống, cả các thứ thuốc kích thích bao tử, làm cho có cảm giác đói… không ích lợi gì cả. Thuốc bổ chưa thấy bổ đâu chỉ thấy làm bé khổ sở vì bị ép uống thuốc, lo âu vì thấy ba má lo âu, xấu hổ vì bị chế giễu càng biếng ăn thêm. Không kể các loại sirop ngọt đều làm cho bé ăn mất ngon.

Tóm lại, ở ta, ngoại trừ trường hợp gầy ốm do di truyền, các nguyên nhân thuần túy tâm lý ngày càng gặp nhiều trong xã hội hiện nay: cha mẹ bận rộn làm ăn, con gần như bị bỏ rơi, thiếu tình thương, thiếu sự âu yếm. Trẻ bị ép ăn, ép uống, ép dùng thuốc bổ, nhiều trường hợp trở nên béo phì hoặc đờ đẫn, lãnh đạm rất đáng lo ngại. Mặt khác, do trẻ suy dinh dưỡng, do bệnh tật vẫn còn nhiều. Các loại thuốc bổ, thuốc kích thích đều không cần thiết trong các trường hợp này nếu không có sự chỉ định chính xác của thầy thuốc.

Gần đây, một tình trạng ngược lại cũng đáng lo sợ: Bé phì nộn quá! Bé có cân nặng quá 20% so với chuẩn đã là phì nộn. Tại thành phố, trong một số nhà trẻ, số trẻ phì nộn tăng nhanh từ 2% đến trên 10% có nơi đến hơn 30% trong một thời gian ngắn. Lý do: cha mẹ quan niệm sai lầm rằng trẻ mập thì mạnh, nên tẩm bổ quá đáng, nhồi nhét quá đáng, còn bị ảnh hưởng của quảng cáo nên thường cho trẻ ăn các loại fast food quá nhiều chất béo, uống nhiều loại thuốc bổ, thuốc tiêu! Cần phải hiểu biết về dinh dưỡng để không bị sai dinh dưỡng: suy dinh dưỡng không tốt mà béo phì càng không tốt.

Theo BS. Đỗ Hồng Ngọc

Tin liên quan: