Cách cho bé vừa bú mẹ vừa bú bình dễ như trở bàn tay

0
12508

“TI MẸ, TI BÌNH”

Bạn muốn tập cho bé ti bình để bé bú bổ sung sữa mẹ được vắt ra, hoặc để chuẩn bị cho khi mẹ bỉm sữa đi làm lại. Bạn luôn có những thắc mắc thường trực:

  • Thời điểm nào là tốt nhất để bắt đầu tập cho bé ti bình hoặc ti giả?
  • Loại ti bình/ ti giả nào là tốt nhất? giống ti mẹ nhất?
  • Nếu bé chọn ti bình, bỏ ti mẹ thì tập lại cho bé như thế nào?

Nhắc lại về khớp ngậm đúng 

Bài viết này đòi hỏi kiến thức cơ bản của các mẹ về “khớp ngậm đúng”. Mẹ nào chưa rõ khái niệm “khớp ngậm đúng” thì tìm đọc trước bài viết “tất tần tật về khớp ngậm đúng giúp mẹ đủ sữa” đó trên trang blogmebimsua.com nhé!

 khớp ngậm đúng Và (chưa phải là tất cả) ưu điểm của khớp ngậm đúng:

  • Lưỡi massage quầng vú để kích thích tiết sữa trong khi bú;
  • Đóng kín giữa bầu vú mẹ và môi, lưỡi bé, không cho sữa thoát ngược ra môi khi bé nút, và bé không nút thêm không khí vào khi bú;
  • Khi bé bắt đầu nuốt, trong họng sẽ giảm áp suất giúp bé bám chặt vào bầu vú mẹ và dòng sữa được hút ra và nuốt nhẹ nhàng, hiệu quả nhất;
  • Đầu ti mẹ chạm sâu phía trên vòm họng, lưỡi tạo thành ống đón sữa vào thực quản khiến bé không bị sặc.

Vì sao không nên tập bú bình cho bé trước 6 tuần tuổi

Cơ sở khoa học:

Theo phân tích khoa học, cách ngậm ti mẹ và ti bình (và ti giả/ vú su) rất khác nhau, do đó, đối với các mẹ mong muốn nuôi con bằng sữa mẹ, KHÔNG NÊN cho bé bú bình (hoặc ngậm ti giả) TRƯỚC 6 TUẦN TUỔI, để bé đủ thời gian thiết lập ổn định thói quen bú mẹ với khớp ngậm đúng. Trong vài trường hợp, bé cần bú sữa mẹ vắt ra trước 6 tuần tuổi, thì nên đút bé bằng cốc (ly) nhỏ, hoặc bằng thìa (muỗng).

khớp ngậm đúng

Bất kể hình thức của ti nhựa (nói chung cho tất cả các loại ti bình và ti giả), cho dù trông giống ti mẹ đến mức nào, thì cách ngậm ti nhựa cũng khác với ti mẹ.

Bầu vú mẹ có độ đàn hồi và độ dẻo cực tốt, và thay đổi hình dạng khi đưa vào khuôn, do đó khi bé ngậm sâu vào quầng vú, phần đầu ti và quầng vú sẽ dễ dàng thay đổi hình dạng, lấp đầy và che kín giữa môi và lưỡi của bé, như một nút cao su đậy kín cổ chai vậy.

Ti nhựa có phần bầu càng to, trông càng giống ti mẹ, khi bé ngậm môi bé cũng loe ra khiến nhiều mẹ lầm tưởng là cách ngậm giống y ti mẹ. Nhưng thực chất, bầu ti nhựa càng to thì bé càng chỉ ngậm phần đầu ti, lưỡi hoàn toàn không đưa dài ra dưới bầu ti như ở khớp ngậm đúng, mà lưỡi co vào tựa sâu đầu ti nhựa. Ti nhựa không thay đổi hình dạng và không đậy kín cửa miệng như ti mẹ

Rất nhiều hãng sản xuất bình sữa và ti giả cố gắng thiết kế về hình thức và chất liệu để ti giả càng ngày nhìn càng giống như ti mẹ. Tuy nhiên, họ không mô tả sự khác biệt so với bú sữa mẹ.

Với loại ti nhựa có bầu nhỏ thiết kế truyền thống, có bề ngoài nhìn ít giống ti mẹ nhất. Loại ti nhựa có bầu nhỏ, chiều sâu tổng đầu ti và bầu ti khoảng ngón tay cái của người lớn. Với loại ti này bé có thể ngậm sâu lút cả đầu ti và bầu ti nhựa, môi bé chạm đến nắp vặn, và đầu ti chạm vòm họng của bé. Tuy nhiên, miệng bé chúm chím không mở lớn, và lưỡi cùng không lè dài thành ống để đón sữa.

>>> Đọc thêm: Mẹo tập cho bé bú bình hiệu quả nhanh chỉ trong một nốt nhạc

Rủi ro khi cho bé bú bình sớm ngay sau khi sinh – hoặc trước 6 tuần:

Khi bú mẹ, mà bé ngậm bú mẹ theo cách ngậm bú bình, thì bé sẽ bú không có hiệu quả, hay tràn sữa ra cạnh mép, dễ bị sặc sữa, bú lâu mà không no, hoặc mau đói trở lại,.. mẹ có cảm giác mình không đủ sữa, (dù con bú sữa tràn ra ngoài, khi không cho con bú sữa chảy ướt áo), và phải cho con dặm sữa ngoài càng lúc càng nhiều.

khớp ngậm đúng

Ngoài ra khi không có khớp ngậm đúng:

  • Bé bú và nuốt sữa mẹ không hiệu quả, ảnh hưởng đến tốc độ xuống sữa, khiến bé từ chối ti mẹ trực tiếp.
  • Khi bé ngậm đầu ti, mẹ sẽ dễ bị nứt cổ gà, bị tắt tuyến sữa do bé bú không hiệu quả, sữa không được bú ra hết bị ứ đọng…

Do đó, việc cho bé ngậm ti bình/ ti giả ngay sau khi sinh, hoặc bú xen kẽ giữa mẹ và bình, hoặc tập bé ti bình trong 6 tuần đầu, sẽ ảnh hưởng đến việc thành lập “khớp ngậm đúng” khi trẻ ti mẹ, ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả và khả năng thành công của việc bé bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu.

Cách tập bú bình (Không áp dụng trước 6 tuần tuổi) chuẩn bị cho mẹ đi làm trở lại.

Không được ép bé, không để bé khóc và có ác cảm với việc bú bình, phải kiên nhẫn với bé.

Phản xạ có điều kiện đối với bé bú mẹ là mùi hương của mẹ (quầng vú mẹ có tinh dầu phát mùi hương đặc trưng của mẹ giúp bé liên tưởng đến bầu sữa mẹ, do đó, để việc tập ti bình giúp bé có thêm phản xạ có điều kiện mới, cho cách bú mới, Betibuti khuyến khích bố mẹ áp dụng các gợi ý sau:

  • Những lần tập ti bình đầu tiên, bé không nhìn thấy, không nghe tiếng, không nghe mùi của mẹ. Nghĩa là mẹ phải đi hẳn ra khỏi phòng, ra khỏi nhà càng tốt. Xịt phòng bằng mùi hương khác để thay đổi mùi cho căn phòng, hoặc bế bé sang phòng khác lạ.
  • Người khác, không phải mẹ, bế bé để làm quen với bú bình.
  • Tư thế bế bé bú cũng khác với tư thế bú mẹ, vd. xoay người ra ngoài, thay vì áp vào sát người như bú mẹ…
  • Tập khi gần giờ đầu cữ bú, không tập lúc bé quá đói, bé mới chớm đói sẽ hợp tác tốt hơn. (Không như quan niệm để thật đói phải hợp tác.)

khớp ngậm đúng

  • Nếu bé chưa muốn hợp tác, cáu gắt, bỏ cữ, thì xúc cho bé VÀI THÌA cho đỡ đói, rồi lại tập tiếp.
  • Chỉ cho bú mẹ vào buổi đêm trong 1 tuần, cho đến khi bé quen bình rồi thì có thể ti cả hai bất kỳ lúc nào.

>>> Đọc thêm: Cách hâm sữa mẹ cho bé đúng cách đảm bảo không bị mất chất

Giải pháp khắc phục tập cho con bú mẹ trở lại, nếu bé từ chối ti mẹ:

Có một số bé có thể bú cả mẹ và bình qua lại xen kẽ. Nhưng có những bé chỉ chọn một cách, hoặc ở thời điểm này thích 1 cách, thời điểm khác, lại thích cách khác.

Tuy nhiên, con bú mẹ trực tiếp bao giờ cũng là tốt nhất cho cả mẹ và con, vậy ở những trường hợp con chỉ muốn bú bình, nhưng mẹ muốn tập lại cho con, blog mẹ bỉm sữa đề nghị như sau:

Để tập cho bé bú mẹ trở lại, các mẹ phải kiên nhẫn và tự tin. Tuyệt đối không được căng thẳng cố ép bé bú mẹ trở lại, khiến bé có ác cảm với việc bú mẹ.

Các chuyên gia đề nghị cách khắc phục như sau:

  • Ngưng không cho bé bú bình, và cho bé ăn sữa bằng thìa (muỗng)/ cốc (ly) nhỏ, trong 2, 3 cử.. tuyệt đối không ngậm ti giả trong quá trình này
  • Bé sẽ đủ no, nhưng bé sẽ có nhu cầu được mút ti, và sẽ đến thời điểm bé sẳn sàng ti mẹ trở lại để được mút ti mẹ
  • Để biết khi nào bé sẵn sàng trở lại, mẹ nằm cạnh bé và đưa ti thử cho bé, nếu bé sẵn sàng bé sẽ chủ động tìm ti mẹ để mút, nếu bé chưa sẵn sàng thì mẹ lại thử lại ở những cữ sau. Và quan trọng nhất là mẹ phải tập cho bé khớp ngậm đúng khi bú mẹ 

Kết luận:

Đây là những gợi ý dựa trên những hiểu biết khoa học về tâm lý và sức khoẻ của bé, dĩ nhiên, còn có nhiều cách tập khác mà các mẹ có thể trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm để Blogmebimsua tiếp tục bổ sung và hỗ trợ tốt hơn cho các bố mẹ khác nữa.

Chúc các mẹ yên tâm và luôn chủ động và thành công trong công cuộc nuôi con bằng sữa mẹ, khi ở nhà, cũng như khi đi làm trở lại!

(Tham khảo)