Các giai đoạn phát triển của trẻ trên 1 tuổi đến dưới 3 tuổi

0
784

Có một thứ gì đó rất là linh thiêng trong việc sinh con và nuôi con của những bà mẹ. Nuôi con là cả một quá trình khó khăn vất vả nhưng cũng tràn đầy niềm vui. Đến khi bé 1 tuổi ba mẹ có thể nhẹ nhõm hơn rất nhiều bởi bé đã nhận thức tốt hơn. Tìm hiểu kỹ lưỡng sự phát triển của bé ngay từ khi sinh ra và cả trong giai đoạn này là chìa khóa mở ra cánh cửa tương lai về sau. Do đó, hãy đọc hết bài viết mà blogmebimsua.com gửi tới các bạn ngay sau đây

Giai đoạn từ 1 đến 2 tuổi

Bé không còn “bé” nữa! Bây giờ bé hiếu động lắm rồi, leo trèo bất cứ chỗ nào có thể leo được, lật ghế, đẩy xe, lục sách, xé giấy. Đó là những lúc bé dễ bị tai nạn nhất. Ta có bổn phận trông nom tránh tai nạn nguy hiểm cho bé. Tuy nhiên, vừa khéo léo bao bọc, ta vừa để cho bé có môi trường phát huy cá tính độc lập của mình. 

 Các giai đoạn phát triển của trẻ trên 1 tuổi Bé luôn luôn bướng bỉnh và không chịu nghe lời ta bảo. Bé không chịu ăn những món ta nấu, không chịu mang quần áo ta chọn, thích tự bốc ăn, tự thay đồ dù cứ loay hoay đút cả 2 chân vào một ống và không biết mặc áo như thế nào! Gặp người lạ thì đứng im quan sát, có khi bạo dạn đến bắt tay làm quen. Từ lúc này, bé chậm lên cân, ốm dần dần, hay bỏ ăn chứ không như lúc bé dưới 1 tuổi, mau đói và hay đòi ăn. 

Bé hai tuổi thường gầy ốm hơn, lưng hơi cong về phía trước và bụng hơi ưỡn ra. Chừng 15 tháng bé đi đã vững và 18 tháng đã ti te chạy, thích leo cầu thang lắm, chỉ loáng qua một cái bé đã leo mấy bậc rồi! Cũng ở tuổi này, bé bắt chước nhanh lắm, thấy mọi người làm cái gì là bé bắt chước làm cái đó ngay. Nhờ vậy, bé hiểu biết rất mau và độ khéo léo tăng dần.

Bé khá nhút nhát khi gặp người lạ, lúc nào cũng bám chặt lấy mẹ hay núp vào sau lưng ba. Mặt khác, tính phản kháng của bé ngày một lớn. Bé cứng đầu và khó dạy, bé muốn tự thay quần áo, tự chọn đồ chơi – một cách kỳ cục, ta không thể ngờ  tới – và cái gì cũng “không”. Tắm thì thích nghịch nước hoài và không chịu ra khỏi thau, ăn thì đòi tự đút lấy – đòi ăn bằng đũa như người lớn – và làm đổ lung tung! Ta đành phải từ từ dạy bảo, chịu đựng cho bé qua khỏi giai đoạn này vậy bởi đó là sự phát triển bình thường để bé trở thành một con người có cá tính, độc lập sau này. 

Các giai đoạn phát triển của trẻ trên 1 tuổi

Bé cũng chưa biết chơi với các bạn cùng trang lứa khác, chỉ đứng một chỗ xem người ta chơi ra sao đến khi quen lắm mới chịu chơi chung. Bé cũng thường sợ hãi một cách vô cớ, sợ người lạ… Sợ mẹ bỏ đi, sợ phải ngủ một mình… Ta cần khéo léo trong mọi tình huống để tránh cho bé sự sợ hãi quá đáng.

Vào khoảng 2 tuổi, ngoài tật hay bắt chước người lớn hay sợ hãi vô cớ, hay chống đối, bé còn hay bị cà lăm. Các nhà chuyên môn tâm lý nhi đồng cho rằng vào lúc bé được 2 tuổi, bé thường cố gắng học nói, tập diễn đạt dài dòng hơn nên dễ vấp tiếng cà lăm vì tìm chữ xếp ý. Khi bị tức tối, lo lắng, bé cũng lắp bắp cà lăm. Nếu ta không khéo léo, không biết lắng nghe bé, bé sẽ khổ tâm lắm và cà lăm nhiều hơn. Phần nhiều bé trai thường bị tật cà lăm nhiều hơn bé gái – và tật này không kéo dài lâu. Cứ tự nhiên, đừng quá lo lắng đến việc sửa chữa, cố gắng nói chuyện với bé bằng những câu ngắn gọn, bé sẽ hết cà lăm từ từ.

Giai đoạn bé lên ba

Khi lên ba tuổi, bé bỗng dần trở nên ngoan ngoãn dễ thương kỳ lạ! Bé không còn cứng đầu cứng cổ như ở thời điểm trước đó nữa, trái lại bé rất mến phục ba má, cái gì cũng bắt chước ba má, nói và làm y hệt như ba má… Nhiều khi ta chưng hửng nghe bé nói một câu y chang người lớn!

Các giai đoạn phát triển của trẻ trên 1 tuổi

Bé thích đóng kịch làm ba má. Bé trai ở tuổi này bắt đầu có ý thức mình là con trai. Nói cái giọng cứng cỏi, bắt chước ba nó, thích các trò chơi hiếu động như ô tô, tàu hỏa, xe ga…. Bé gái thì trầm tính hơn bắt chước mẹ y hệt, chơi búp bê, ru búp bê ngủ, xi đái… ễnh bụng nói có em bé trong đó. Tối ngủ với búp bê, cho búp bê bú, thích làm công chúa… Ở tuổi này bé rất hay tò mò và trí tưởng tượng rất phong phú.

Sự phát triển của bé dù nhanh dù chậm, lúc này lúc khác, chung quy cũng để tạo bé thành một con người – một cá nhân. Tôi đã đọc câu này ở đâu đó: “Chim mẹ mớm mồi cho chim con, nhưng chim con phải bay lấy một mình”. Chúng ta cũng vậy “mớm mồi” cho bé nhưng cũng để cho bé bay đường bay của riêng nó.

Đến 3 tuổi, bé có thể leo cầu thang đã vững vàng. Biết vịn tay theo lan can, nhưng bước xuống bậc thang vẫn còn đặt hai chân một nấc.  Đã biết rót nước từ ly này sang ly khác không tràn…Biết bắt chước đánh răng và rất hãnh diện.

Hành trình em bé lớn khôn từ trong bụng mẹ cho đến 3 tuổi đã khép lại, hy vọng các bạn sẽ có cái nhìn chi tiết nhất về sự phát triển của bé qua từng giai đoạn. Nuôi dạy con không phải một sớm một chiều, mà là cả một hành trình gian nan đó các bạn ạ.

>> Tin liên quan: