Các giai đoạn phát triển của trẻ dưới 1 tuổi (3 -12 tháng)

0
1066

Ở bài viết trước, chúng ta đã biết bé lớn lên như thế nào từ khi sinh ra cho đến 3 tháng. Thật là diệu kỳ! Vậy mẹ có tò mò bé con sẽ phát triển tiếp như thế nào trong giai đoạn tiếp theo không. Hãy cùng blogmebimsua.com theo dõi các giai đoạn phát triển của bé dưới 1 tuổi sẽ như thế nào nhé.

Giai đoạn từ 3 đến 6 tháng

Bé đã cứng hơn nhiều, đã có thể ngóc đầu dậy một chút và ngực cao hơn mặt bàn, nếu ta giúp bé chống tay tới trước. Với sự phát triển của bé dưới 3 tháng, có những bé có thể lật người dễ dàng dễ dàng nhưng cũng có bé chậm, phải đến 4 tháng mới biết lật. Ở Âu Mỹ, trẻ biết lật chậm hơn, trung bình khoảng 5 – 6 tháng. Nói chung, những bé mảnh khảnh thường biết lật, biết bò, biết đi sớm hơn các bé bụ bẫm, trầm tĩnh, chậm chạp. Đến 6 tháng, bé thường tự chuyền một vật từ tay này sang tay kia.

giai đoạn phát triển của bé trước 3 tháng tuổi
Bé dưới 3 tháng tuổi, mẹ có thể chơi cùng bé

Bé cũng có thể ngồi thẳng được nếu ta dùng tay đỡ bé. Khoảng 4 tháng, bé đã cười thành tiếng và thích chơi với những người xung quanh, biết chú ý nhiều đến những người xung quanh và biết mừng mẹ, là người bé gần gũi nhất.

Trong khoảng thời gian này ba mẹ cần để ý đến bé nhiều hơn, sơ hở một tí, bé có thể có thể ngã bất cứ lúc nào! Không nên cho tập bé ngồi sớm quá, bởi rất có thể sẽ bị vẹo xương còng lưng đó!

Giai đoạn từ 6 đến 12 tháng

Bé 6 tháng tuổi ngồi đã vững và chừng tháng tiếp theo là bé đã biết trườn. Bé có thể trườn tới một vật ở xa xa và chụp lấy. Đến 8 tháng thì hầu hết các bé đều đã biết bò, nhưng cũng có một số bé trễ hoặc sớm hơn, xê dịch một vài tháng không phải là điều quan trọng. Có bé còn bỏ bò, đến lúc nào đó tập đứng và đi luôn. Bé nào biết bò sớm thì thường chậm biết đi và những bé nào bỏ qua giai đoạn bò thường biết đi sớm hơn. Bé bò đủ kiểu, bò tới, bò lui, bò bằng đầu gối hoặc bò bằng hai chân. Khoảng 9 tháng có bé đã đứng “chựng” được nếu bé bám giường hoặc mình hỗ trợ bé đi.

Giai đoạn từ 6 đến 12 tháng
Bé từ 6 tháng đã biết bò, biết trườn

Bé sử dụng các ngón tay khá thành thạo trong khoảng thời gian từ 6 đến 9 tháng. Đủ 9 tháng, bé biết thả một vật rồi nắm lại và 12 tháng bé biết đưa đồ vật cho ta. Bé biết bắt chước hành động của mọi người rất sớm, 9 tháng đã có thể “bai bai” và dơ tay ra bắt tay ta. Từ 6 tháng trở đi, bé bập bẹ được tiếng baba, ma ma, đa đa… và khoảng 8 – 9 tháng đã biết chú ý khi nghe gọi tên.

Trong khoảng từ 9 – 12 tháng, các bé có thể tự đứng một mình mà không cần trợ giúp, một vài có bé chậm trễ hơn, thường là các bé béo mập và trầm lặng. Khi mới biết đứng, bé ham lắm thích thú lắm, đứng được rồi không biết cách để ngồi xuống, loay hoay, sợ hãi, và chỉ một lúc là ta thấy bé mệt mệt rồi! Nhưng khi ta giúp bé ngồi xuống, lập tức bé lại đứng lên sau đó.

Bé lần đi từ từ, hai tay vịn vào thành giường, rồi vịn một tay, lần lần vịn vách tập đi. Dần dần đến một lúc nào đó, thấy mẹ vỗ tay gọi, có thể bé quên lần vách mà chạy tới ôm mẹ. Đó là lần đầu tiên bé đã biết đi. Bé ham đi lắm, thích được ba má dắt tay cho đi hoài. Ba má có thể mệt đừ người vì vụ này nhưng bé hình như không bao giờ biết mệt cả.

giai đoạn 9 đến 12 tháng tuổi
Khoảng 9 tháng tuổi bé ham tập đi lắm

Trung bình bé biết đi khi gần đến thôi nôi ( sinh nhật 1 tuổi), có khi đến 15 tháng mới biết đi, nhưng bé vẫn bình thường về mọi phương diện. Lúc bé mới chập chững tập đi, ta có thể cho bé dùng loại xe tập. Xe có 4 bánh, xoay chiều nào cũng được. Bé ngồi trong xe, thòng 2 chân xuống, chống chân đẩy đi. Có người không thích loại xe này vì sợ bé sẽ bị đi chân vòng kiềng hay chữ bát. Theo kinh nghiệm riêng, tôi thấy cách này không có gì hại, trái lại đỡ mệt cho cha mẹ. Cũng phải coi chừng bé tránh xe lật khi vấp và không may bé va đầu vào cạnh bàn, cạnh tủ.

Có bé biết đi rồi lại bị bệnh một trận lại không đi được nữa, phải đến cả tháng sau mới tập đi lại. Ta phải hết sức bình tĩnh và kiên nhẫn giúp bé. Có bé vì té đau, hoảng mà không dám đi nữa, cứ từ từ, vài tuần sau quên hẳn mới đi lại được.

Khoảng một tuổi, bé đã nói được một vài tiếng có ý nghĩa. Nhiều bé hơi chậm biết nói nhưng trí thông minh vẫn bình thường, có khi còn có thiên bẩm đặc biệt nào đó! Đừng lo lắng quá và đừng vội cho rằng bé “cù lần”. Nói sớm hay chậm một phần là do bản tính bé, một phần do tác động môi trường xung quanh. Một bé bản tính “xí xọn” thường nói sớm, ngược lại, một bé trầm tĩnh thường thích quan sát, ngắm nhìn hơn là phát biểu thì nói chậm cũng là lẽ dĩ nhiên. 

Người ta cũng thường thấy con gái biết nói sớm hơn con trai! (nói sớm và còn nói nhiều nữa chứ!). Có bé phát âm rất rõ ràng, có bé nói ngọng. Phần lớn lúc đầu nói ngọng ít nhiều rồi quen dần sẽ nói rõ hơn. Có thể do lưỡi bé hoặc do bộ phận phát âm ở thanh quản, cứ chịu khó một thời gian bé lại nói bình thường. Ngược lại, có bé đã lớn rồi, đã nói sảnh sỏi rồi mà cũng còn nói ngọng để nhõng nhẽo với ba má, và ba má thích thú cho cái “bé bỏng” của con mình thì thực là tai hại!

>>> Bài viết tiếp theo: Các giai đoạn phát triển của trẻ trên 1 tuổi đến dưới 3 tuổi