Sinh tố Y là gì? Tại sao sinh tố Y lại quan trọng với sự phát triển của trẻ?

0
1068

Nhưng dù bé đã được cho bú mớm đầy đủ, đúng phép vệ sinh, dinh dưỡng như các chuyên viên dặn bảo, dù bé đã được chích ngừa bại liệt, ho gà, bạch hầu, uốn ván, dù bé đã được cho uống thêm các loại sinh tố A, B, C, D… bé vẫn có thể đau ốm rề rề, biếng ăn, biếng chơi, lớn không nổi, kém thông minh và trong tương lai có thể trở thành một kẻ lãnh đạm, lạnh lùng hay hiếu chiến, phạm pháp… chỉ vì bé thiếu một thứ sinh tố tối cần thiết: Sinh tố Y.

Thắc mắc về sinh tố Y

Sinh tố Y là sinh tố gì thế? Có phải là một sinh tố vừa mới phát minh? Sao chưa bao giờ nghe nói đến?

Thưa không, đó chỉ là một cách gọi tên cho dễ nhớ, “Y” ở đây là yêu, là yêu thương.

 Tại sao sinh tố Y lại quan trọng với sự phát triển của trẻĐã từ lâu lắm người ta biết giá trị của yêu thương, nhưng chỉ mới đây thôi, nhờ khoa học tiến bộ, nhất là tâm lý học và các phương pháp xã hội học, người ta mới thấy rõ ảnh hưởng của yêu thương trên sự phát triển của trẻ thơ như thế nào. Bây giờ, người ta có thể nói một cách chắc chắn rằng bé không phải chỉ sống bằng sữa mà còn bằng tình yêu nữa! Một bé dù được nuôi khéo léo, đúng phép vệ sinh dinh dưỡng mà thiếu tình thương của mẹ – hay của một người khác cũng yêu bé như mẹ – và một không khí gia đình, cũng không phát triển trọn vẹn, bình thường được: bé chậm lớn, khờ khạo, dễ đau ốm, khi đau ốm thì lâu lành và dễ chết nếu bệnh hơi nặng.

Tại bệnh viện Nhi Đồng, để ý một chút, ta sẽ dễ dàng nhận thấy các trẻ mồ côi được điều trị tại một phòng riêng do các sơ hoặc các ni cô ở các cô nhi viện săn sóc một cách đúng phép và có vệ sinh, nhưng bệnh rất lâu khỏi, bệnh này chưa bớt thì đã sinh bệnh khác, bệnh vừa bớt đã tái phát và số tử vong lại rất cao. Trái lại, tại các phòng được chính mẹ hay người thân săn sóc lại mau lành mạnh và số tử vong cũng thấp hơn. Khi có dịp tiếp xúc với nhiều trẻ em bất thường, như đã khá lớn mà chưa biết đi, chậm nói, khờ khạo, hay ốm đau… thì thấy trong rất nhiều trường hợp thường là những trẻ ở trong một hoàn cảnh bi đát, thiếu tình thương của mẹ.

Năng lực kỳ diệu của yêu thương:

Ashley Montagu, nhà nhân chủng học, trong một bài báo viết về năng lực kỳ diệu của yêu thương đã nói: “Không có yêu thương bé không sống nổi, mà dù có sống cũng trở thành một con người bất thường, một bệnh nhân tâm trí, một người bệnh thần kinh, phạm pháp, bất lương, oán thù xã hội”. Ông thuật lại câu chuyện cách đây gần thế kỷ, tại nhà thương nhi đồng Dusseldorf ở Đức, vào thời mà nhi khoa chưa tiến triển như bây giờ, số trẻ dưới một tuổi chết gần 100%, thì các bác sĩ ở đây chấp nhận cho một bà già – bà Anna – được phép nâng niu bồng bé các trẻ sắp chết, vậy mà kỳ diệu thay, đôi khi bé sống sót!

Tại sao sinh tố Y lại quan trọng với sự phát triển của trẻ

Chuyện có vẻ hoang đường, thiếu khoa học, nhưng thí nghiệm sau đây của bác sĩ René Spitz tại Nữu Ước đã chứng minh hùng hồn năng lực của sinh tố Y. Bác sĩ Spitz lập hai trại nuôi trẻ hoàn toàn giống nhau về mọi phương diện, từ cách săn sóc, tắm rửa, ăn uống đến cách dạy dỗ, chỉ khác một điều duy nhất là một trại thì do các nhân viên y tá điều dưỡng trong nom (một cô trong cho 8 đến 10 em), còn trại kia thì do chính mẹ các em chăm sóc lấy. Sau một thời gian, người ta đo lường kết quả dựa trên thương số phát triển – khả năng nhận thức, lãnh hội, khả năng xã hội  hóa, hoạt động sinh ký, ký ức, tài bắt chước, sự khéo tay và óc thông minh.

Kết quả như sau: nhóm trẻ do các bà mẹ trông nom lúc đầu có thương số phát triển trung bình là 101,5 sau một năm tăng lên 105. Cùng thời gian đó nhóm trẻ do các chuyên viên chăm sóc có thường số phát triển lúc đầu 124, sau một năm tụt xuống còn 72 và đến cuối năm thứ hai chỉ còn 45! Quan sát kỹ hơn, Bác sĩ Spitz nhận thấy các trẻ thiếu hẳn tình thương thì tệ đến nỗi không biết đi, không biết nói, không biết tự ăn lấy một mình. Trong vòng 5 năm quan sát 239 bé do chính mẹ nuôi nấng, không có bé nào chết. Trái lại, chỉ trong vòng 2 năm đã có 37% bé tử vong trong nhóm thứ hai (Reader Digest – 9 – 1971).

Ông Nguyễn Hiến Lê, trong cuốn “Thời mới dạy con theo lối mới” cũng ghi lại các tài liệu sau đây chứng minh tình yêu thương còn cần thiết cho trẻ hơn là sữa!

“Trong một nhà hộ sinh kiểu mẫu ở Mỹ, người ta cho chúng sống cách biệt nhau để tránh vi trùng. Các nữ điều dưỡng chỉ được sờ mó chúng khi nào thật cần thiết, như khi thay đồ, tắm rửa, cho bú. Thức ăn được tính toán kỹ lưỡng tuy theo nhu cầu của mỗi trẻ, bệnh tật được đề phòng và điều trị bằng những phương pháp tối tân. Vậy mà những trẻ đó không lên cân nhiều, không mạnh khỏe bằng những trẻ ở ngoài, sống trong những gia đình thiếu thốn, tại những xóm tối tăm, bẩn thỉu.

Các bác sĩ không hiểu tại sao, sau ra công nhận xét, thí nghiệm trong một thời gian, mới thấy rằng nguyên nhân chỉ do những trẻ đó thiếu sinh tố tình yêu. Tức thì ở mỗi góc nôi, người ta treo tấm thẻ với hàng chữ: “Mỗi ngày phải âu yếm trẻ một giờ”. Từ đó, các nữ điều dưỡng có quyền bồng bế, hôn hít nựng chúng, chuyện trò, chơi đùa với chúng. Kết quả hoàn toàn thay đổi. Trẻ bú nhiều hơn, vui vẻ, tinh anh hơn.

Tại sao sinh tố Y lại quan trọng với sự phát triển của trẻ

Và cô Anna Freud cũng ghi chép minh bạch những kết quả trong các nhà dưỡng nhi. Cô bảo: “Cách thức nuôi trẻ trong các nhà đó có lợi cho trẻ trong năm tháng đầu, trẻ ít bệnh, mau lớn hơn trẻ trong những gia đình thợ thuyền. Nhưng từ tháng thứ sáu trở đi, thì trẻ thua kém hẳn trẻ ở ngoài, kém tinh anh, hoạt động. Qua năm thứ nhì, trẻ chậm nói hơn. Về tư cách, thì lớn lên chúng có bề ngoài lễ phép, đàng hoàng nhưng dù được dạy dỗ tận tâm tới bực nào, chúng cũng là hạng mất gốc, không hơn hạng trẻ thiếu giáo dục là mấy. (Thời mới dạy con theo lối mới! – Nguyễn Hiến Lê).

Ta đã biết trong hai tháng đầu đời, bé sống thuần sinh lý: bú nó, ngủ yên, tiêu tiểu đều đặn… gần như “vô tri” vậy. Vì thế mà được nuôi đúng phương pháp, bé mau lớn, ít bệnh. Nhưng ngay từ tháng thứ ba, bé đã biết mỉm cười đáp lại khi có người cười với bé, bé đã biết mừng khi có người đến chơi với bé. Đó là lúc bé biết đến xã hội chung quanh mà “xã hội” đầu tiên chính là bà mẹ và thái độ của bà. Tất cả tác phong, thái độ, tâm lý của bé đối với cuộc đời mai sau hoàn toàn tùy thuộc vào giai đoạn đầu tiên này, giai đoạn giao tiếp giữa bé và mẹ lúc con thơ. Được thương yêu, trìu mến, bé sẽ thương yêu người, trìu mến đời. Bị hất hủi, ghét bỏ, bé trở thành lãnh đạm, căm thù…

Tình mẹ:

Thực ra không thể nói “Mỗi ngày phải yêu trẻ một giờ” một cách máy móc như câu chuyện Mỹ trên kia! Yêu trẻ không có thời lượng. Không phải yêu trẻ bằng cách vồ vập trẻ mỗi ngày một giờ hay “mỗi ngày hai lần, mỗi lần nửa giờ” như toa thuốc được! Tình mẹ bàng bạc trong mọi cử chỉ, mọi dáng điệu của bà mẹ; trong cái nhìn, giọng nói, nụ cười, hơi thở và cả trong sự im lặng của bà nữa. Nó bao la như biển thái bình rạt rào nên không thể tính toán, không thể đếm đo! Và bè không cần phải nói “cám ơn”, bé vẫn ý thức rất rõ ràng tình yêu của mẹ trong từng tế bào, nhờ bản năng thiên phú.

Tại sao sinh tố Y lại quan trọng với sự phát triển của trẻ

Tình mẹ thường không có ngay tức khắc, lúc bé sinh ra đời, tình mẹ dâng lên từ từ như sữa mẹ, nhưng sữa mẹ có thể cạn dần, còn tình mẹ càng lâu càng đầy với thời gian, thấm dần trong huyết quản, trong tim, óc mẹ và truyền qua cho đứa con. Nhiều bà mẹ trẻ đinh ninh tình mẹ sẽ òa vỡ trong tâm hồn bà khi nghe tiếng khóc oa oa chào đời của bé, đã ngạc nhiên thấy bà chỉ có chút hãnh diện về đứa con mới sinh mà chưa thương nó ngay. Nhưng khi bé được 5 hay 6 tháng thì bà mẹ nào cũng không muốn rời con. 

Người ta có thể vứt đứa con mới sinh vào giỏ rác – như thỉnh thoảng chúng ta đọc thấy trên báo – nhưng không ai thấy bà mẹ nào nhẫn tâm vứt đứa con năm, sáu tháng trở đi, và nếu vì lý do gì không thể nuôi con, người ta cũng đem cho con ngay lúc sơ sinh. Tình mẹ nảy nở từ từ và ngay người không có công sinh thành mà nuôi bé từ thuở nhỏ cũng có được tình mẫu tử đó.

Nhưng cũng như một số các sinh tố khác, sự thặng dư sinh tố Y cũng tai hại không kém: bé rất dễ trở thành một đứa con… hư! Có một số trường hợp dễ thừa sinh tố Y; trường hợp con đầu lòng, cha mẹ ít kinh nghiệm, bao nhiêu tình thương, hy vọng, đặt cả vào bé – trường hợp con một, con muộn (lớn tuổi rồi mới có con), trường hợp bé là đứa con trông đợi… Một trường hợp đặc biệt nữa là những người trí thức, đọc sách nhiều, nghiên cứu về tâm lý nhi đồng nhiều dễ bị ám ảnh, bởi phương pháp này, phương pháp khác rồi quá cưng chiều, dễ dãi với bé nên bé bị chứng thừa sinh tố Y.

Dù sao, sự tai hại của chứng thừa sinh tố Y không nguy bằng thiếu. Theo blogmebimsua.com, thà thừa còn hơn thiếu. Ta chỉ cần nhớ một điều là bé không phải chỉ sống bằng sữa, bằng các sinh tố A, B, C, D… mà còn phải có sinh tố Y. Nhưng hình như – nếu tôi không lầm – không phải chỉ có trẻ thơ mới cần sinh tố Y mà chính người lớn chúng ta nữa, cũng còn cần sinh tố Y lắm! (Theo BS. Đỗ Hồng Ngọc)

>>> Tin liên quan: