Việc cho con bú cũng giữ một vai trò quan trọng trong việc đảm bảo và gia tăng sức khoẻ cho bà mẹ, giảm rủi ro thiếu máu, giảm cân, tránh thai tự nhiên.
Hầu hết mọi người đã được nghe nhắc rất nhiều về các lợi ích và giá trị của sữa mẹ đối với bé, nhưng ít người biết và hiểu đầy đủ về vai trò quan trọng của việc cho con bú đối với sức khoẻ trước mắt và lâu dài của người mẹ. Blogmebimsua.com sẽ đưa ra 3 lợi ích về mặt tâm sinh lý của việc cho con bú sữa mẹ để các mẹ tham khảo.
- 20 thắc mắc thường gặp nhất khi nuôi con bằng sữa mẹ
- 3 nguyên tắc “vàng” để tăng lượng sữa mẹ cho trẻ sơ sinh
Cho con bú sữa mẹ giảm nguy cơ bị thiếu sắt (thiếu máu):
Chứng thiếu máu sau khi sinh biểu hiện thường xuyên hơn ở những phụ nữ nuôi con bằng sữa ngoài. Theo một số nghiên cứu khoa học tại Mỹ tỷ lệ phụ nữ bị thiếu máu sau khi sinh từ 7.2% đến 14.3% cao hơn ở những phụ nữ không cho con bú, hoặc cho bú trong thời gian ngắn, so với những bà mẹ cho con bú mẹ hoàn toàn. Nồng độ Hb tối thiểu của các bà mẹ không cho con bú thấp hơn phụ nữ cho con bú khoảng 50g/l.
Cơ sở khoa học:
Cho con bú sữa mẹ giúp co gọn tử cung, thải sản dịch
Bà mẹ cho con bú mẹ sớm sau khi sinh (bất kể lượng sữa non nhiều hay ít) từ 1 – đến 6 giờ sau khi sinh, đặc biệt kích thích hocmon prolactin & OXYTOCIN, vừa có tác dụng tạo & tiết sữa, vừa có tác dụng co thắt thu gọn tử cung, thải máu, mô nhau/ túi thai và sản dịch trong vòng 3 đến 12 ngày sau khi sinh một cách tự nhiên và triệt để, giảm mất máu và nguy cơ nhiễm trùng sau khi sinh. (Ngoài ra hocmon oxytocin còn là “hocmon” tình yêu giúp mẹ phấn chấn hạnh phúc và mạnh khoẻ, giúp mối gắn kết tinh thần với con càng thêm sâu đậm hơn theo từng cữ bú mẹ.)
Bà mẹ không cho con bú, không có đủ hocmon oxytocin để co thắt tử cung, khiến tử cung chậm co gọn, dễ bị sót nhau, ứ sản dịch cho đến tận 24 ngày hoặc lâu hơn. Việc tử cung chậm co gọn và đóng kín làm tăng nguy cơ mất máu (rong kinh thứ cấp) và nguy cơ nhiễm trùng tử cung.
WABA (World Alliance for Breastfeeding Action – Liên minh Hành động vì Nuôi Con Sữa mẹ Thế giới) trong thời gian gần đây tích cực vận động WHO (World Health Organization – Tổ Chức Y tế Thế giới) đưa việc cho con bú mẹ ngay sau khi sinh để giúp thu gọn tử cung nhanh chóng và tự nhiên, vào quy trình đỡ đẻ chuẩn của tất các Khoa sản của tất cả các bệnh viện trên thế giới, chứ không chỉ là quy trình được WHO khuyến khích như hiện nay.
Kinh nguyệt
Bà mẹ cho con bú 100% (không bỏ cữ) do tác động của hocmon gây ức chế quá trình rụng trứng và chống thụ thai, do đó thường không thấy kinh nguyệt trong suốt 6 tháng cho con bú mẹ hoàn toàn. Hiện tượng ngưng thấy kinh làm giảm nhu cầu hấp thụ chất sắt vào cơ thể mẹ. Nhu cầu chất sắt cần cho quá trình tạo sữa mẹ chỉ bằng 1/2 nhu cầu bù đắp chất sắt bị mất đi trong tháng của bà mẹ có kinh nguyệt.
Bà mẹ không cho con bú hoặc bú bỏ cữ sẽ có chu kỳ rụng trứng bình thường và có thể thấy kinh nguyệt trở lại trong 4 – 6 tuần sau khi sinh.
Mất máu sau sinh nhiều do tử cung không được co gọn tự nhiên và kinh nguyệt trở lại sớm sau khi sinh (cai sữa hoặc vẫn cho con bú dặm sữa ngoài) là 2 nguyên nhân chính gây nên chứng thiếu máu sau khi sinh.
Cho con bú sữa mẹ giúp tránh thai tự nhiên:
Ngừa thai hiệu quả giúp bảo vệ sức khoẻ mẹ bỉm sữa và gia tăng hạnh phúc gia đình về tâm lý và tài chánh. Phương pháp tránh thai tự nhiên (LAM – Lactational Amenorrhea Method ngưng rụng trứng/ không có kinh nguyệt trong thời gian cho con bú) được xem là tự nhiên, hiệu quả cao, không tốn kém, không có tác dụng phụ.
Cơ sở khoa học:
Nhiều nghiên cứu khoa học cho thấy trung bình, đối với bà mẹ cho con bú 100%, sẽ thấy kinh nguyệt trở lại vào tháng thứ 6 – 7 sau khi sinh.
Việc sản xuất sữa liên tục nhờ nuôi con bú mẹ 100% làm ức chế quá trình rụng trứng và mất kinh nguyệt. Hơn thế nữa, cho dù trứng có rụng trong thời gian 6 tháng đầu, các nội tiết tố và hócmon trong cơ thể mẹ trong giai đoạn này khiến trứng không thể thụ tinh một cách hiệu quả (98%-99%).
Bà mẹ cho con bú hoàn toàn theo định nghĩa của các nghiên cứu này là bà mẹ cho bé bú 100% (*), cách cử không quá 4 tiếng cho các cử ngày và không quá 6 tiếng cho các cử đêm, trong 6 tháng liên tục từ sau khi sinh.
Ở các bài viết khác, Betibuti chia sẻ rằng có thể bù cử bú bằng cử hút, là để giữ cho không mất sữa, tuy nhiên cử hút sữa có thể không tạo được hocmon ức chế rụng trứng như bé bú trực tiếp, vì vẫn thiếu động tác mút, massage các đầu dây thần kinh ở quầng vú đủ thời gian cần thiết.
Cho bé bú dặm sữa ngoài làm kinh nguyệt trở lại sớm hơn. Khả năng có thai sẽ trở lại trong vòng 6 tuần kể từ khi bỏ cử bú/ cai sữa. Do đó, nếu bé không bú mẹ hoàn toàn thì bà mẹ phải áp dụng sớm các biện pháp tránh thai khác.
Cho con bú sữa mẹ giúp giảm cân sau sinh
Trong quá trình mang thai, mẹ tăng cân nhiều.Trong thai kỳ thông thường, bà mẹ tăng trung bình 12kg (10kg – 20kg). Thông thường 25% của trọng lượng tăng lên đó là mỡ dự trữ (khoảng 2.5kg – 5kg).
Cơ sở khoa học:
Theo các nghiên cứu khoa học về cơ chế tạo sữa mẹ và thành phần dinh dưỡng trong sữa mẹ, cho con bú mẹ mà không cần bồi dưỡng nhiều giúp cơ thể “chế biến” sữa từ chính lượng mỡ này một cách tự nhiên và hiệu quả (sữa được tạo từ mỡ mẹ dồi dào acid béo dài như AA, DHA tốt cho quá trình phát triển não của bé). Khi mẹ cho con bú hoàn toàn suốt 6 tháng và mẹ ăn uống phong phú (healthy), hầu hết lượng mỡ dự trữ này sẽ được sử dụng hết trong 6 tháng (đối với mẹ tăng @10kg) và 1 năm (đối với mẹ tăng @20kg).
Khi mẹ bồi dưỡng quá nhiều sau khi sinh, lượng mỡ dự trữ trong thai kỳ không được sử dụng góp phần vào nguy cơ gây béo phì ở mẹ sau này.
Theo một nghiên cứu tại Mỹ, bà mẹ cho con bú vừa sữa mẹ vừa sữa ngoài, cho dù tập thể dục nhiều hơn và ăn uống kỹ hơn bà mẹ cho con bú hoàn toàn, họ vẫn giảm mỡ chậm hơn bà mẹ cho con bú hoàn toàn trong vòng 3 tháng sau khi sinh.
Nghiên cứu này cũng so sánh kết quả giảm cân của các bà mẹ cho con bú suốt 12 tháng và lâu hơn giảm được @4.4kg, trong khi các bà mẹ chỉ cho con bú đến 3 tháng chỉ giảm được @2.4kg. Giai đoạn giảm cân khi cho con bú nhiều nhất từ 3 – 6 tháng sau khi sinh.
Một số nghiên cứu khác tập trung vào dinh dưỡng của bà mẹ cho con bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng cho thấy bà mẹ nuôi con bú hoàn toàn được đề nghị tăng năng lượng, vitamin A, canxi và chất sắt từ 0.1% đến 6% thông qua thực phẩm cân đối và phong phú, so với nhu cầu dinh dưỡng của phụ nữ bình thường.
Không như nhiều người lầm tưởng phải ăn thật nhiều cơm và thật nhiều chất béo động vật để có đủ sữa và sữa nhiều chất cho con, chỉ vì họ không biết đến cơ chế sử dụng lớp mỡ dự trữ và hiện tượng mất kinh bảo toàn một lượng dưỡng chất trong cơ thể bà mẹ, đặc biệt là chất sắt và canxi, so với phụ nữ bình thường.
Nhiều người cũng không biết rằng, cho con bú mẹ hoàn toàn đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng cho bé và tiết kiệm năng lượng cho mẹ (để các bà mẹ trên toàn thế giới cho dù điều kiện sống và điều kiện kinh tế và dinh dưỡng tối thiểu, cũng có thể nuôi con mạnh khoẻ), nhờ các cơ chế điều tiết hoàn toàn tự nhiên:
- Cơ chế sử dụng mỡ dự trữ
- Mẹ thèm ăn những chất cần bổ sung (có thể có trong nhiều loại thức ăn khác nhau)
- Lượng sữa mẹ điều chỉnh vừa đủ với nhu cầu của con (khi ngực hết căng khi ra tháng, nhưng con bú bao nhiêu, có sữa bấy nhiêu)
- Giảm tiêu hao năng lượng và bảo toàn dưỡng chất nhờ mất kinh.
Ngoài ra, theo các nghiên cứu này, 5 năm sau khi sinh, vòng bụng của bà mẹ không cho con bú, hoặc bú mẹ ít sẽ giãn ít hơn và lớp mỡ dự trữ dưới da cũng nhiều hơn.
Chúc các bà mẹ nuôi con bằng sữa mẹ đầy tự tin!
Tham khảo