Cách hiểu các tiêu chuẩn phát triển trẻ em của WHO

0
1553

Như đã nêu trong phần các tiêu chuẩn phát triển của trẻ theo WHO, công trình nghiên cứu công phu “DỰ ÁN NGHIÊN CỨU PHÁT TRIỂN CƠ SỞ THAM CHIẾU ĐA T M (The Multicentre Growth Reference Study – MGRS) của WHO đã cung cấp cho thế giới các chuẩn phát triển mới cho trẻ em trên toàn thế giới, chính tên gọi của dự án cũng đã nói lên ý nghĩa là chuẩn phát triển của trẻ em không chỉ dựa trên 1 chỉ số và phải được xem xét “đa tâm”, có nghĩa là đánh giá sự phát triển của các bé từ nhiều góc độ và phải dựa vào nhiều chỉ số khác nhau. Hãy cùng blogmebimsua.com tìm hiểu vấn đề này nhé.

Giới thiệu các khái niệm căn bản

Trước tiên, chúng ta chú ý các khái niệm căn bản sau:

HỆ (System): Trong các chuẩn mới của WHO có 3 hệ dữ liệu theo thuật toán thống kê và thể hiện biểu đồ khác nhau: 1- Bách vị phân (Percentile); 2- Điểm-z (z-score or Standard Deviration Score); 3- Bình quân (Medium) có cách thể hiện dự liệu hơi khác nhau; Trong đó phổ biến nhất là hệ Điểm-z và hệ Bách vị phân, do đó trong bài viết này, Betibuti sẽ giới thiệu chi tiết hơn về 2 hệ này.

BẢNG / BIỂU ĐỒ (Chart/ Graph): Mỗi hệ được thể hiện bằng các bảng biểu theo cách riêng, mới nhìn qua có vẻ giống nhau và dễ bị nhầm lẫn. Betibuti sẽ cố gắng giúp các mẹ phân biệt được các bảng biểu này.

chuẩn phát triển của trẻ em

  • ĐIỂM (Score/ Percentile): Trong mỗi bảng/ biểu có những mốc tham chiếu chính. Trong hệ Bách vị phân đó là những số thể hiệu như 50% hay 50th, và trong hệ Điểm-z là các hệ số tham chiếu từ -3 đến +3.
  • KÊNH (Range): là các khoảng nằm giữa từ các đường biểu thị của các hệ số tham chiếu.
  • XU HƯỚNG (Trends): là hướng của đường thể hiện các số liệu của bé được ghi nhận trên biểu đồ.
  • GIỚI TÍNH: các biểu đồ đều có bảng riêng cho bé trai và bé gái.

Giới thiệu hệ Bách Vị Phân

Hệ Bách vị phân: thể hiện bằng các biểu đồ tham khảo cho các chuẩn dựa trên % trẻ em cùng độ tuổi (bú mẹ hoàn toàn) áp dụng cho toàn thế giới. Gồm các biểu đồ cân nặng (cho bé trai/ cho bé gái) và biểu đồ chiều cao (cho bé trai/ cho bé gái), chúng ta quan sát thấy ở cột đứng bên phải của biểu đồ có các chỉ số 3rd (3%), 15th (15%), 50t (50%), 85th (85%), 97th (97%). Các con số % này biểu thị cho số % của trẻ em trên thế giới ở dưới kênh đó.

Cách hiểu của biểu đồ này không phải 97% là tốt nhất, cũng KHÔNG PHẢI 50% LÀ TỐT NHẤT, mà trẻ phát triển hoàn toàn tốt trong kênh của mình so với cân nặng lúc sinh cho các bé trong khoảng 15% đến 85%. Vì không thể nào tất cả trẻ em trên toàn thế giới phải ở mức 50% để được gọi là phát triển chuẩn. VD, một bé được sinh ra nhẹ cân, 2.7kg ở kênh 15%, bé tiếp tục tăng cân ở quanh kênh 15% là hoàn toàn bình thường, không nên so sánh bé với những em bé khác cùng tháng tuổi.

Về cân nặng, các bé ở 3% dưới cùng, là quá thiếu cân. Thường ở các nước có điều kiện dinh dưỡng và môi trường bình thường (không có chiến tranh, thiên tai, nạn đói) không có bé ở mức dưới 3%. Nếu bé ở mức 97% trên cùng, dễ thuộc trong nhóm béo phì, nếu xem xét chỉ số BMI cũng cao. Chỉ nhìn số đo cân nặng hay chỉ số phần trăm không thể kết luận ngay bé suy dinh dưỡng hay béo phì, mà phải kết hợp đánh giá bé qua các chỉ số và tương tác khác nữa.

Hệ biểu đồ này mang tính tham khảo nhiều hơn, và được dùng để thể hiện mức độ chung của một cộng đồng ở phạm vi rộng, cho phép đánh giá chuẩn của 1 mước, hoặc một cộng đồng, so với chuẩn quốc tế. VD, khi có một vùng trải qua thiên tai, các tổ chức y tế và các tổ chức phi chính phủ có thể dùng hệ biểu đồ này để đánh giá ảnh hưởng của thiên tai đối với dinh dưỡng và phát triển của nhóm trẻ trong cộng đồng đó.

Giới thiệu hệ Điểm-z (z-score)

Hệ này áp dụng thuật toán thống kê có tên “Các điểm tham chiếu của độ lệch chuẩn” (Standard Deviation scores) hay còn được gọi đơn giản là Điểm-z (z-score), thuật toán này phân chia tổ hợp (đối tượng thống kê) thành các kênh từ 1 đến 3 lớn hơn so với mức trung bình là z=0 (mean) và các kênh từ -1 đến -3 thấp hơn mức trung bình.

Hệ Điểm-z, ngoài các biểu đồ tham chiếu về cân nặng và chiều cao theo độ tuổi, còn có các biểu đồ tham chiếu về “Tỉ lệ cân nặng/chiều cao” và “Chỉ số BMI theo độ tuổi” giúp chúng ta ghi nhận và đánh giá tốt hơn về chuẩn phát triển của bé.

chuẩn phát triển của trẻ em

Có một điểm cần được đặc biệt lưu ý, là trong khi chuẩn z=0 chỉ là chỉ số trung bình, KHÔNG CÓ NGHĨA LÀ SỐ TỐI ƯU hay CHỈ SỐ CHUẨN ở các biểu đồ “cân nặng theo độ tuổi” và “chiều cao theo độ tuổi”, (tương tự như chỉ số tham khảo 50% trong hệ bách vị phân, vì không phải tất cả các bé phải có cân nặng và chiều cao giống y nhau mới gọi là đạt chuẩn.) Về cân nặng, trong các kênh dưới 2 và trên -2 có thể là tốt (vì còn tuỳ bé cao hay lùn). Về chiều cao, trong kênh dưới 3 và trên -2 có thể là tốt (vì còn tuỳ bé nặng hay nhẹ).

Đây là điểm bị các website phổ biến sai, khi cho là điểm không hoặc 10% là mức chuẩn tối ưu theo các biểu đồ chuẩn mới của WHO. Cách dịch “thiếu chuẩn cấp độ 1”, hoặc “vượt chuẩn cấp độ 3” gây hiểu lầm và hoang mang cho các bố mẹ, và không thể hiện đúng ý nghĩa của các bảng dự liệu/ biểu đồ này.

Ngoài ra, không thể chỉ xem một biểu đồ cân nặng mà kết luận là bé không đủ chuẩn hay không, cũng không phải chỉ số x dương + là tốt, âm – là xấu, và cũng không phải chỉ số z càng cao càng tốt.

***THẾ NHƯNG trong hai biểu đồ “tỉ lệ cân nặng/chiều cao” và “chỉ số BMI theo độ tuổi” thì điểm z=0 lại chính LÀ ĐIỂM THAM CHIẾU CHUẨN TỐI ƯU mà các bố mẹ nên cố gắng cho con đạt được. Đây là mấu chốt quan trọng của các chuẩn mới này khi WHO công bố rằng “lần đầu tiên chúng ta biết trẻ NÊN phát triển như thế nào là tối ưu.”

Do đó, nói đến chuẩn mới mà bỏ qua Biểu đồ “Tỉ lệ cân nặng/chiều cao” và Biểu đồ Chỉ số BMI cũng giống như mô tả ngày rằm mà quên mặt trăng vậy.

Hiểu ý nghĩa của “Xu Hướng” (Trends)

Như đã nói trên, không nên xem xét riêng từng biểu đồ, càng không nên chỉ nhìn vào một con số. VD, có mẹ hỏi Betibuti, “con em 5 tháng 7 kg, có bị còi không?”. Một câu hỏi như vậy rõ ràng là không có đủ thông tin để đánh giá. Betibuti thường hỏi thêm các mẹ những thông tin sau: Bé trai hay bé gái, cân nặng và chiều cao từ khi sinh đến giờ, hàng tháng đo như thế nào?”. Vì đó là những dự liệu cần thiết để thể hiện “xu hướng”.

chuẩn phát triển của trẻ em

Nên hiểu như thế này: đường hiển thị số đo của bé đi bám theo kênh tham chiếu là tốt.

  • Từ kênh thấp có thể tăng lên 1 hoặc 2 kênh trên biểu đồ cân nặng và chiều cao, cải thiện cân nặng hay cả cân nặng và chiều cao, nhưng chỉ số tỷ lệ cân nặng/ chiều cao <2 là tốt. (vì z=2 là thừa cân rồi)
  • Từ kênh cao có thể chuyển xuống kênh thấp hơn, nhưng nếu nhờ đó chỉ số cân nặng/chiều cao được cải thiện cũng vẫn tốt. 

Xu hướng chuyển dần là tốt, thay đổi đột ngột là không tốt – có nghĩa bé tăng hay giảm cân quá nhanh là không tốt.Khi bé đang béo phì hoặc thừa cân, bé không cần giảm cân, mà chỉ cần giữ cân trong khi bé tiếp tục cao lên, “tỉ lệ cân nặng /chiều cao” và chỉ số BMI sẽ được cải thiện

Đường BMI tham chiếu chuẩn cho bé 2 đến 5 tuổi tối ưu là đường hơi đi xuống, nên bé có số liệu đi theo xu hướng này là tốt.

*Cách tính BMI (kg/m2) = cân nặng (kg)/ bình phương của chiều cao (m).

Các biểu đồ và chỉ số khác giúp xác định suy dinh dưỡng

Các mẹ có thể ngạc nhiên vì sao trong hình minh hoạ và phần bài bên trên không đề cập đến trường hợp bé suy dinh dưỡng.

Để xác định bé suy dinh dưỡng, ngoài việc sử dụng 4 biểu đồ trên, các chuyên viên y tế cần phải khám cho bé cẩn thận và tham chiếu thêm các biểu đồ sau:

  • Biểu đồ số đo vòng đầu
  • Biểu đồ số đo vòng bắp tay
  • Biểu đồ độ dày nếp da dưới xương bả vai
  • Biểu đồ độ dày nếp da sau bắp tay
  • Các cột mốc phát triển vận động
  • Biểu đồ tốc độ tăng cân
  • Biểu đồ tốc độ tăng chiều cao
  • Biểu đồ tốc độ tăng vòng đầu

Tất cả các biểu đồ nêu trong bài này có thể tìm thấy và tải về (bản tiếng Anh) tại trang web WHO.int.

Cùng với phần bài viết cuối tuần sau, Blogmebimsua sẽ lưu các bảng này (với diễn giải tiếng Việt) các biểu đồ này trong Photo Album của Hội Sữa Mẹ (Bé Ti Bú Ti) cho các mẹ tiện tham khảo.

Chúc các mẹ nuôi con bằng sữa mẹ đầy tự tin, vì chuẩn mới của WHO đã một lần nữa xác định “bé bú mẹ 100% là chuẩn phát triển tối ưu”!

Theo chuyên gia Betibuti