Không ba mẹ nào mà không cảm thấy đau lòng, xót xa khi nhìn thấy đứa con bé bỏng bị té, hoặc không may xảy ra tai nạn bất ngờ. Tai bạn của bé nhiều lắm, mỗi lần như thế mẹ phải làm sao? Hãy theo dõi bài viết của blogmebimsua.com để tìm hiểu nhé.
Em bé gặp tai nạn, mẹ phải làm thế nào đây?
Cách tốt hơn hết để “chữa” tai nạn xảy ra là tránh nó đi. Nhưng ở trẻ con để tránh được tai nạn thì khó lắm! Vì thế ta chỉ có thể nghĩ cách làm sao để giảm thiểu tai nạn càng ít càng tốt, càng nhẹ càng tốt. Nếu ta không thể tránh cho bé khỏi té, khỏi trầy da, ít ra ta cũng có thể cố gắng tránh cho bé những tai nạn nguy hiểm chỉ cần ta thận trọng một chút.
Nhưng thận trọng quá cũng không tốt, mỗi chút mỗi báo động “coi chừng té” lại càng khiến cho bé trở thành vụng về, lệ thuộc, nhút nhát. Và như vậy, khi bị té bé sẽ té đau hơn vì thiếu kinh nghiệm… té! Nhiều khi, tiếng “coi chừng té” của ta làm bé giật mình, mất bình tĩnh và té rất đúng lúc.
Tai nạn của bé thì nhiều lắm, không bao giờ hết được bởi nhiều lý do có thể do bé, do anh chị bé hay do chính ta vì sơ ý, vì bất cẩn trong khi chăm sóc em bé gây ra. Thỉnh thoảng ta nghe chuyện một bà mẹ ngủ quên vô tình làm đổ đèn cháy mùng, kết cục cháy luôn cả mẹ lẫn con; hay một bà mẹ khác cũng chỉ vì ngủ quên để con chết ngạt vì “cả vú lấp miệng em”!
Tôi từng được nghe câu chuyện một đứa bé được nuôi trong nhà nuôi trẻ, mải chơi nên bị té lọt vào thùng đựng quần áo, chết ngạt trong đó mà không một ai hay! Các bé lớn thường cho em ăn bậy, rồi nhét giấy, nhét hạt me vào tai vào mũi em. Một nhà văn kể chuyện có người anh đã đâm mù mắt đứa em mình (trong tuổi ấu thơ) chỉ vì thấy đôi mắt em long lanh, rồi bị ám ảnh suốt đời.
Còn một câu chuyện thực tế khác xảy ra ở quê hương tôi: một người cha giỡn với con bằng cách tung bé lên cao rồi hứng lấy, bé bị thốn ruột cười như nắc nẻ và người cha cũng cao hứng cười rộn rã, chẳng may đúng lúc đó ông bị đứt dây lưng quần, phản xạ tự nhiên khiến ông chụp lấy quần kéo lên và đứa bé rơi thẳng xuống sàn gạch! Những tai nạn chết người đó, chỉ là hy hữu và cũng là những tai nạn có thể tránh được nếu ta cẩn thận một chút và đừng có chơi dại!
Những tai nạn khác dễ xảy ra hơn cũng do ta gây ra cho bé như lúc người mẹ nấu ăn mà cho bé luẩn quẩn chơi một bên, không may vấp phải xoong canh đổ xuống đầu, bị phỏng nước sôi, chảo mỡ nóng, có khi bé bưng chai dầu hôi lên uống ngon lành!
Những bất cẩn khác có thể có như: cầu thang không có cửa khóa bé leo trèo ngã sấp mặt; cho bé chơi viên bi, hạt mẹ, mẹ không để ý nên bé nuốt hay nhét một hột vào mũi lúc nào không hay. Cũng vậy, khi bà mẹ đang may vá mà có bé gần bên chụp kéo, níu kim. Em bé đau, em bé khóc nhiều sao mà không xót xa.
Mẹ có thể tránh được những tai bạn cho em bé bằng cách nào?
Ngay từ lúc được 3 tháng, nhiều bé đã biết lật, bé có thể lật liên tiếp mấy vòng để lọt xuống giường, nhanh đến nỗi chỉ một chút không để ý thôi là bé đã té rồi. Khi biết đi lẫm chẫm là lúc bé té thường xuyên, và vào khoảng 15 – 18 tháng, bé thích leo cầu thang, hở ra một tí là bé leo tuốt mấy bực liền. Từ một tuổi trở đi, bé hay tò mò lắm, cái gì bé cũng muốn thử, cũng sờ mó, xê dịch. Bé leo ghế, đẩy xe, cái gì cũng cho vào miệng…
Ta không thể kìm hãm tính tò mò của bé được bởi đó là sự phát triển tự nhiên: Bé khám phá thế giới và tập sử dụng các giác quan cho thuần thục. Ta cũng khó lòng canh chừng bé từng giây từng phút để kịp thời ngăn bé dừng lại, vả lại như vậy ta sẽ vô tình khiến bé thành nhút nhát, lệ thuộc như đã nói.
Ta cũng không thể dùng lý lẽ để nói bé được. Một bé 2 tuổi không bao giờ biết dừng tay khi nghe ta bảo “đừng, đừng”, “chớ, chớ”, “không được”… đâu! Khi ta bảo bé đừng sờ vào bàn ủi nóng là bé sẽ rờ đó! Có khi bé vô tình chạm vào mà do chính ta gây cho bé có ý đó. Chẳng hạn, khi bé đến gần bình hoa, ta kêu to: “Đừng con, đừng đụng, bể bình bông” thì bé sẽ nhanh chóng chạy chụp lấy bình bông dù trước đó bé không có ý đó.
Tóm lại, để tránh tai nạn không đáng có xảy ra với bé ta phải bày trí nhà cửa gọn gàng, khóa cầu thang, không dập tay vì đóng và mở cửa – không có những chỗ lấy điện, đuôi đèn gần tầm với của bé – không cho bé đến gần bếp ga, đồ nóng lúc đang nấu nướng – không cho chơi kéo, chơi dao, kim chỉ – không để gần bé những thứ thuốc uống, xà bông, thuốc giết chuột, lưỡi dao cạo, dầu lửa, dầu xăng, lọ, ve, hột nút, hột me, bạc cắc. Giếng phải đậy, lu nước phải đậy cẩn thận… Rất nhiều trường hợp bé nuốt bạc cắc, hạt mãng cầu, lưỡi câu, kim tây vào bụng.. và đã có những trường hợp bé chết vì viên ký ninh mà bé tưởng là kẹo!
Khi đã cố gắng thận trọng làm mọi cách khác nhau để giảm thiểu tai nạn xảy ra với bé, không quên theo dõi thường xuyên để có thể can thiệp kịp lúc những tai nạn nguy hiểm đó, thì những tai nạn “lặt vặt” không thể tránh được ta cứ mặc kệ bé.
Trong mọi trường hợp, dù là nặng hay nhẹ, ta cần phải bình tĩnh. Bình tĩnh để cấp cứu tạm thời và bình tĩnh để kể lại chi tiết cho bác sĩ giúp cho việc chuẩn bệnh và điều trị mau lẹ và chính xác hơn.
Tin liên quan: