Em bé gặp tai nạn! Cách sơ cứu, hạn chế tai nạn ở trẻ – Phần 2

0
1370

Ở phần trước chúng ta đã biết em bé gặp tai nạn thường đến do những bất cẩn không đáng có của chính chúng ta gây ra. Đến phần này blogmebimsua.com sẽ liệt kê một số nguy hiểm có thể xảy ra khi bé gặp tai nạn và cách sơ cứu gấp. Mời các bạn cùng theo dõi.

Trường hợp em bé bị té dẫn tới bị thương ngoài da

Bé bị té nhiều lần thì sớm muộn cũng có lúc bé bị u đầu sứt trán. Bé đi, bé chạy, bé leo trèo nhiều chừng nào thì khả năng bị té nhiều chừng đó. Các ông bà thường nói “té cho mau lớn” là trong cái nghĩa này. Nếu bé chỉ bị trầy da, chảy máu chút đỉnh thì không có gì đáng lo lắng cả, dĩ nhiên là trong trường hợp ta đã chích ngừa phong đòn gánh (uốn ván) cho bé rồi. 

em bé bị té dẫn tới bị thương Trong trường hợp bé chưa được chích ngừa, tuyệt đối không nên coi thường! Một vết thương nhỏ trên cơ thể có thể gây ra bệnh phong đòn gánh dễ dàng vì sự lơ đễnh của ta. Nếu vết thương có nhiều hiện tượng đáng nghi ngờ như: dơ bẩn, dính đất cát, làm độc thì phải mang đến bác sĩ ngay. 

Sơ cứu tạm thời, ta tiến hành rửa sạch vết thương với bông gòn và nước đun sôi để nguội là đủ, không cần dùng các loại thuốc sát trùng. Các loại này không  những không giết được hết vi trùng, trái lại còn dễ dàng giết các tế bào lành mạnh chung quanh vết thương. Rửa sạch bằng nước đun sôi để nguội, băng lại, thế thôi. Trường hợp mà thịt bị té, chảy máu nhiều, sau khi rửa phải thật nhanh cầm máu cho bé và mang đến bác sĩ khâu lại, tránh vết thẹo xấu và lâu lành vì miệng vết thương lớn.

Nếu bé té trúng đầu thì vấn đề càng trở lên nghiêm trọng hơn. Ngoài vết trầy, vết rách, nổi cục bướu to đùng mà ta gọi là u đầu (Cục u này có màu tím vì mạch máu bể đọng dưới da. Nếu cục u nhỏ không đáng lo ngại vì nó sẽ tự tan đi sau vài ngày, còn cục u lớn sẽ mềm trở lại ấn tay như thấy có chất lỏng phập phều). Nghiêm trọng hơn, có thể bé bị nứt xương sọ, chảy máu trong não cần phải phẫu thuật khẩn cấp. 

em bé ngã u đầu

Điều quan trọng nhất là khi bé bị té động đầu ta phải để ý xem bé có còn bị chảy máu hay nước ở mũi, ở tai gì nữa không. Nếu có chứng tỏ là vết thương nặng phải đưa đến ngay đến bệnh viện chuyên khoa ngay. Ta cũng theo dõi xem sau khi té bé như vậy có bị nhức đầu, nôn mửa, làm kinh, hôn mê không? Nếu có, thì đó cũng là triệu chứng tổn thương não bộ. Nhiều khi một vết thương nho nhỏ ở đầu ta xem thường, một vài ngày sau biến chứng nặng bất ngờ không kịp chữa.

Trường hợp em bé té trật gân, gãy xương

Bé rất dễ bị gãy xương đòn gánh, xương khuỷu tay, xương ống chân bởi ở trẻ em cơ xương còn đang trên đà phát triển. Tất cả các trường hợp trật khớp, gãy xương đều cần nhanh chóng đưa bé đi cấp cứu tại bệnh viện. Trong lúc gọi cấp cứu, ta cần bình tĩnh làm bó im cho bé: nếu gãy xương vai, buộc tay bé co lại trước ngực; nếu gãy xương ống chân, bó im từ bàn chân đến quá đầu gối, rồi lập tức đưa bé về bệnh viện càng sớm càng tốt. 

em bé té trật gân, gãy xương

Ở trẻ em, xương còn rất mềm yếu, ít khi bị gãy lọi mà chỉ gãy dập, vỏ xương còn nguyên nên không nguy hiểm như gãy xương người lớn. Mặt khác, xương của bé còn đang trong thời kỳ tăng trưởng, chỗ gãy sẽ mau lành, ít sinh biến chứng và không bị lệch lạc nhiều như người lớn.

Tai nạn có sự xuất huyết

Trong mọi trường hợp tai nạn có sự xuất huyết, quan trọng nhất vẫn là cầm máu. Khi bé không may vì té hay vì chơi nghịch làm chảy máu mũi (máu cam) ta bình tĩnh cho bé cúi đầu thấp xuống rồi lấy ngón tay cái ấn bên phía mũi chảy máu chừng 10 – 15 phút, máu sẽ hết chảy. Nếu bé dễ bị chảy máu cam khi ra nắng hay bị đụng chạm nhẹ thì có thể do mạch máu ở vách mũi bé quá giòn, cần đưa bé đến bác sĩ khám và điều trị.

em bé chảy máu mũi (máu cam)

Nếu bé bị đứt tay đứt chân, không cần rửa vội vết thương, chỉ cần băng chặt để cầm máu tạm thời trước đã sau đó mới rửa và khử trùng. Nếu không biết cách băng bó như thế nào, ta cứ đặt một miếng gạc sạch lên vết thương rồi dùng băng ép, quấn chặt, làm sao để máu không chảy nữa và đưa bé tới bệnh viện.

Không có băng gạc, ta dùng tạm khăn tay hay bất cứ một thứ nào khác có thể băng lại vết thương kể cả mảnh vải xé ở áo quần ra. Điều quan trọng cần làm ở đây là cầm máu chớ không phải khử trùng. Nếu là một vết thương khó băng bó, chảy máu ở ngực, ở trán, ở cằm, ta lấy tay ấn tay lên chỗ chảy máu nhiều nhất để bịt kín vết thương lại rồi nhanh chóng mang bé đến bệnh viện. 

Nhiều người mất bình tĩnh, sợ hãi khóc lóc mà cứ để bé chảy máu như vậy trong lúc di chuyển khiến bé bị mất máu nhiều thật là tai hại. Trường hợp nguy hiểm hơn là nội xuất huyết (xuất huyết bên trong cơ thể không nhìn thấy được). Một bé bị té hay bị xe đụng nhẹ ở bụng, ta thấy trầy xước nhẹ, không có gì nghiêm trọng nhưng một lúc sau ta thấy bé mệt, mặt xanh mét, khát nước, mạch nhảy mau, đó là những dấu hiệu chứng tỏ bé đã bị nội xuất huyết (chẳng hạn bị bể lá lách) phải phẫu thuật ngay tức khắc mới có hy vọng sống. Khi thấy bé bị đụng chạm ở bụng mà thấy có những triệu chứng trên là ta phải đến bệnh viện ngay.

Hãy tiếp tục theo dõi phần tiếp theo của chúng tôi để tìm hiểu thêm các tai nạn khác ở trẻ trong phần 3 nhé.