Em bé gặp tai nạn! Cách sơ cứu, hạn chế tai nạn ở trẻ – Phần 4

0
904

Bỗng một ngày bé bị bỏng nặng, bị trúng độc con đau đớn, mẹ cũng đau đến phát khóc thì phải làm thế nào đây? Hãy cùng blogmebimsua.com đi tìm hiểu chuyên sâu trong phần tiếp của cẩm nang về em bé gặp tai nạn nhé.

Trường hợp bé bị phỏng (bỏng)

Bạn phải nhớ rằng bé càng nhỏ thì vết phỏng càng nặng. Một người lớn bị phỏng khoảng 10% vẫn còn chữa trị bình thường trong khi đứa bé phỏng 5% có thể đã nguy rồi. Vì thế, thật cẩn thận để tránh cho bé không bị bỏng. Nếu bé bị phỏng rồi thì mang bé đến bác sĩ hay bệnh viện sớm để bé được truyền dịch nếu cần, chích ngừa phong đòn gánh, bôi thuốc ngừa nhiễm trùng… Và quan trọng hơn cả là không để lại di chứng về sau (nhất là phỏng ở bàn tay, mặt, mũi). 

em bé bị phỏng (bỏng) Không nên tự ý thoa một thứ thuốc sát trùng nào như thuốc đỏ, cồn… lên vết phỏng. Cũng không băng bó kín mít chỗ bỏng lại. Cách sơ cứu tạm thời chỉ cần dội nước lạnh sau đó đắp lên một lớp gạc sạch tránh bụi bẩn, rồi đưa bé đến bệnh viện. Trường hợp chỗ phỏng bị phồng lên không được chích ra, bởi có thể bị nhiễm trùng nguy hiểm hơn.

Chú ý:

  • Không làm bể hay chọc các vết phỏng bọng nước vì như vậy có thể gây nhiễm trùng thêm vết phỏng.
  • Không dùng đá lạnh hoặc bôi bất cứ loại thuốc trị bỏng nào (ngoại trừ pommade Silver sulfadiazine), không bôi bất kỳ chất nào khác như nước mắm, giấm, mỡ, kem đánh răng, bùn non… lên vết phỏng.
  • Không nên bôi thuốc chống sẹo bởi không đem lại hiệu quả và sẹo thường là hậu quả của việc chăm sóc vết bỏng không đúng cách làm nhiễm trùng vết bỏng.
  • Không cần thiết phải kiêng ăn các loại thực phẩm như tôm, cua, bò, gà, rau muống, cam… vì các thực phẩm này không hề gây sẹo. Trái lại, nếu kiêng cữ quá mức chỉ khiến bé thiếu chất dinh dưỡng (đặc biệt là chất đạm) khiến cho vết phỏng lâu lành hơn.
  • Không sử dụng các loại bằng bông có lông tơ mịn hoặc cắt băng dính để dán lên vùng bị phỏng.
  • Trong trường hợp phỏng do điện, phải ngắt điện trước khi chạm vào hoặc tới gần người bị nạn nhân.

Em bé trúng độc (ngộ độc)

Từ 1 đến 2 tuổi, bé rất tò mò, cái gì cũng muốn thử cho bằng được. Tốt hơn hết khi chăm sóc bé đừng để những thứ nguy hiểm trong nhà, hoặc có thì cũng phải để ở một nơi trẻ không với tới hay không thể biết được. Tất cả các thứ thuốc trị bệnh, dạng viên hoặc nước, tất cả các loại thuốc giặt, thuốc tẩy, thuốc diệt chuột… đều để trên cao hay cất trong tủ khóa kỹ lại.

Em bé trúng độc (ngộ độc)

Ở ta, còn có một thứ trúng độc “tình nguyện” khác nữa là trúng độc vì thuốc. Một bà mẹ có đứa con làm kinh vì nóng – đáng lẽ cũng không đáng ngại – lại hốt hoảng cho uống mật gấu hay mật rắn, rốt cuộc đứa bé chết vì trúng độc. Bà mẹ khác có con ỉa chảy, lập tức cho uống một viên sái phiện để bé khỏi ngay!

Và còn biết bao thứ trúng độc “tình nguyện” khác chỉ vì người mẹ thiếu kiến thức, tự ý mua thuốc cho bé uống (thuốc cầm ho, cầm ói, thuốc nhỏ mũi…), đấy là còn chưa kể đến loại độc lâu dài như uống Tifo thường xuyên làm bé bị bệnh thiếu máu trầm trọng do suy tủy (tủy xương hư hỏng, máu không sinh ra được nữa) hoặc uống corticoides bừa bãi đến nỗi bé sưng mình, chữa thế nào cũng không khỏi. Có người cạo gió cho con đến nỗi trầy da chảy máu. Có người đem con đi thầy kết cục bị đốt đến cháy phỏng da. Vậy làm thế nào để loại bỏ được những thứ trúng độc “tình nguyện” đáng thương đó là một vấn đề khác. Ở đây tôi chỉ nói đến những trường hợp rủi ro, tai nạn thôi.

Ngay khi bé trúng độc, ta bình tĩnh để làm một vài biện pháp cấp cứu tạm thời và sau đó mang bé đến bệnh viện ngay. Cần ghi nhớ chính xác  bé trúng độc thứ gì, nhiều hay ít, lúc nào? Ví như bé nuốt nhầm thuốc ngủ của mẹ chẳng hạn, phải nói rõ thuốc đó là thuốc gì (tốt hơn mang theo chai thuốc, ống thuốc hay nhãn hiệu, toa thuốc), nhớ bé đã uống mấy viên, uống lúc mấy giờ?…) Những điều này rất quan trọng vì bác sĩ tùy vào trường hợp mà cho thuốc giải hay rửa ruột nếu cần.

Các biện pháp cấp cứu tạm thời có thể áp dụng như sau:

Nếu không may ăn hay uống phải một chất độc: làm cho bé mửa ra, ra càng nhiều càng tốt. Cho que quấn bông đưa vào cổ họng bé và ngoáy cho bé ọc hết chất độc ra. Có thể cho bé uống một chút sữa hay chút nước rồi mới ngoáy. Nếu bé đã lớn, có thể cho bé uống dung dịch làm ói như nước muối mặn, nước xà bông… 

cấp cứu khi em bé trúng độc (ngộ độc)

Ở nông thôn, người ta lấy mùn thớt (rất tanh) cho uống cũng mang lại hiệu quả. Nếu cần, mang gấp đến bệnh viện rửa ruột; mang sớm được giờ nào hay giờ đó, vì trễ sau 4 giờ nhiều khi ruột không rửa được nữa. 

Nếu hít phải hơi độc: nhanh chóng ẵm bé ra khỏi nơi có độc, làm hô hấp nhân tạo và đưa bé đến bệnh viện.

Nếu bị dính chất độc ở ngoài da: đem nước dội mạnh ở nơi đó. Nên nhớ, chỉ cần dội mạnh bằng nước thường để trôi bớt chất độc thôi. Rồi đưa bé vào bệnh viện.

Chất độc bám vào mắt: xịt nước rửa mắt chừng khoảng 10 phút, rồi mang bé đến bác sĩ nhãn khoa càng sớm càng tốt.

Tóm lại, tốt hơn hết là ta vẫn phải cẩn thận, các loại thuốc men và chất độc phải được cất thật kỹ và xa tầm tay trẻ. Các loại thuốc cũ hết hạn không dùng nữa thì bỏ đi. Thuốc uống dùng có liều lượng và có chỉ định của bác sĩ.

Trường hợp đặc biệt khác như cả gia đình đều ăn một bữa cháo cóc, người lớn không làm sao nhưng đứa nhỏ phải vào viện cấp cứu. Hỏi ra mới biết người lớn ăn xương xẩu còn bé được ưu tiên ăn gan và trứng cóc. Tưởng nhiều chất nhưng ai ngờ chính gan và trứng cóc mới chứa nhiều chất độc. Cá nóc cũng thế, cũng chứa độc ở gan. Các loại nấm nhiều màu cũng đa phần là nấm độc.

Các trường hợp bé gặp tai nạn do thú vật cắn, chết đuối hay điện giật sẽ được chúng tôi đề cập ở trong bài viết em bé gặp tai nạn phần 5 tiếp theo.

>>> Tin liên quan: