Tổng hợp các tật “nghiền” ở bé và cách chữa hiệu quả

0
788

Phải dùng đến tiếng “nghiền” mới có thể lột tả phần nào cái tình trạng say mê kỳ cục của những đứa trẻ trong vài năm đầu đời. Đứa thì chuyên mút ngón tay ngon ngọt, đứa thì mân mê trái tai, còn đứa khác thì khoái cái khăn tay cũ mèm quẹt qua quẹt lại trên mũi mà không biết chán. 

Nguyên nhân của hiện tượng bé “nghiền”

Một câu chuyện tôi đã từng nghe: “Thằng H con anh T cứ mân mê cái khăn hôi hám, thằng Đ con anh Ch chỉ xoay quanh sợi dây lưng quần; con L.N hồi nhỏ mân mê sờ tóc, con K.H thì vừa bú tay vừa sờ cái mền bất hủ khai ngấy của nó… Những cái tật kỳ cục thật không thể hiểu nổi! 

Nhiều bà mẹ chịu cứng, không hiểu sao con mình lại mê cái gối đã cũ, bẩn thỉu như vậy được? Sao nó lại thích ôm miền lấy cái gối hôi hám như vậy? Rồi bà đem chúng  giặt phơi hoặc thay ngay cái gối mới cho bé. Bé khóc suốt ngày để đòi cho được cái cũ quen thuộc mới nghe. Có khi đi bất cứ đâu xa cũng phải nhớ mang theo các “phụ tùng” đó cho nó. Tình trạng này diễn ra thường không lâu. Phần nhiều bé bỏ được khi bé chừng một, hai tuổi, nhiều khi đến ba, bốn tuổi bé mới dứt được.

Các nhà y học và tâm lý nhi đồng tuy không thống nhất được về nguyên nhân của chứng nghiền kỳ cục này của lũ trẻ nhưng đều cho những thói quen đó là điều hết sức bình thường. Có thể coi đó là tính cách tâm sinh lý chớ không coi là bệnh và vì thế khuyên ta không nên lo lắng dẫn tới quá bực mình rồi phản ứng một cách mạnh mẽ gây nhiều tai hại. 

Có bà mẹ đã buộc chặt khuỷu tay để bé không thể nào đút tay vào miệng, bà khác dùng chiêu thoa ký ninh thực đắng lên ngón tay bé thường nút. Kết quả, bé bứt rứt khổ sở nhưng ngay sau đó, một khi tay hết đắng, bé còn mút mạnh hơn lúc trước.

Lấy trường hợp bé bú tay là điển hình.  Thường thường bé hay bú ngón tay cái, có khi bú một trong các ngón khác, có khi bú nhiều ngón một lúc. Ta cho đó là một thói quen xấu và tìm cách ngăn cấm. Thực ra nguyên nhân có thể rất giản dị: bé bú tay vì bú mẹ chưa đã, vẫn còn thèm hoặc bé đang đói. Bú là một bản năng. Bé sinh ra tự nhiên đã biết bú và bản năng này cần được thỏa mãn, nếu không làm bé thỏa mãn, bé sẽ phải bú tay để bù trừ. 

Người ta nhận thấy những đứa trẻ bú sữa mẹ thường ít bú tay hơn những bé bú sữa bò. Vì bú sữa mẹ bé thoải mái bú bao lâu tùy thích, khi hết sữa rồi bé vẫn bú chơi chơi một lúc, bú cho “đã đời” thì thôi chứ không như lúc bú sữa bò, có lượng sữa nhất định, khi bú xong hết bình là bé bỏ luôn bình đi và nếu có bú thêm, cũng chỉ nút hơi và sẽ bị sình bụng, đau bụng. 

Khi thấy bình sữa bò cạn bà mẹ hay bà vú lấy bình sữa ra đem đi vệ sinh và như vậy bé bú chưa đã; hoặc có trường hợp núm vú cao su khoét rộng quá, sữa xuống mau bé bú mau no nhưng chưa đủ làm bé thỏa mãn trong thời gian ngắn được, bé đành bú tay thêm vậy.

Ông David Levy đã thử nghiệm và cho rằng những bé được bú cách hai giờ một lần sẽ có khả năng ít bú tay hơn bé bú cách khoảng ba bốn giờ một lần. Để chứng tỏ bú là một bản năng, ông làm thí nghiệm sau đây: ông nuôi một bầy chó con, và mỗi ngày dùng ống nhỏ giọt cho chó uống sữa, không cho bú, chúng đành bú chân, liếm lông đến rụng cả!

Bú tay còn do bé thiếu tình âu yếm, thương yêu của mẹ. Những bé bú sữa mẹ ít bú tay có lẽ cũng một phần vì chúng cảm nhận được tình yêu thương đầy đủ. Bé được mẹ âu yếm mỗi lần bú ti, đùa giỡn với bé. 

Để ý thì cũng những lúc bé buồn, bé thường bú tay nhiều. Bị mẹ la mắng, bé khóc thút thít và bú tay cho đỡ tủi. Thức dậy, không thấy có mẹ bên cạnh, loay hoay một mình bé cũng bú tay cho đỡ nhớ; khi bé uể oải, đau ốm, bé bú tay nhiều hơn. Cùng có thể bé bú tay vì ganh tị. Một bé đã hết thời kỳ bú tay có thể bú trở lại khi thấy mẹ lo lắng, ôm ấm đứa em mới sinh say mình. Trong các trường hợp này, bú tay là nguồn an ủi của bé… (Trẻ ở giai đoạn tháng thứ tư đến thứ sáu, sắp mọc răng, ngứa nướu, hay nhơi nhơi ngón tay, bao tay hay bất cứ vật gì bé bắt được, không phải bú tay).

Cách chữa tật “nghiền” ở trẻ

Tùy vào những trường hợp khác nhau, ta có thể giúp bé chữa khỏi bệnh “ nghiền” này. Điều quan trọng cần làm là không nên bực mình, lo lắng quá đáng. Nếu có thể được, ta hãy cho bé bú sữa mẹ thường xuyên, không những vì những lý do đã nói ở bài Sữa mẹ, mà còn vì chỉ có bú sữa mẹ mới làm bé thỏa mãn và cảm nhận được hết tình thương. 

Trường hợp bé bú sữa bò, cần để ý soi núm vú sao cho bé bú lâu chừng 10 phút mỗi bình, đủ lâu cho bé khỏi ghiền bú, cũng có thể tăng số lần bú lên, thay vì ba giờ bú một lần, ta cho 2 giờ rưỡi bú thì có thể bé sẽ bỏ bú tay. Nên thay núm vú mới khi núm vú cũ đã rộng quá làm sữa xuống mau. Nếu bằng những cách này, mà vẫn không khỏi, ta đành cho bé bú núm vú cao su vậy, vì ít ra như vậy còn tốt hơn là bú tay. Dĩ nhiên, núm vú cao su phải được tiệt trùng sạch sẽ.

Trường hợp bé bé trên 1 tuổi mà vẫn còn bú tay vì buồn… (bị má đánh, bị hắt hủi, ganh tị với em, không ai chơi với khi thức dậy, không có đồ chơi…) thì nên để ý săn sóc bé nhiều hơn, để bé cảm nhận được tình thương yêu của mẹ nhiều hơn, có thể bé thiếu “sinh tố Y” đó.

Trong mọi trường hợp hãy cư xử hết sức nhẹ nhàng, không nên dùng các biện pháp mạnh như buộc tay, thoa ớt, thoa ký ninh trên ngón tay bé. Vì như thế không những không có tác dụng mà còn có hại. Ta ngăn chặn bản năng của bé không thành mà còn khiến bé chịu nhiều ảnh hưởng tâm lý tai hại về sau.

Tóm lại, các tật ghiền của bé đều là bản năng bình thường, tự nhiên sẽ khỏi, các ba mẹ chỉ cần giúp bé phát triển bình thường nhất mà không nhất thiết phải dùng đến các biện pháp mạnh gây hại cho bé về sau.

>>> Tin liên quan: