Tất tần tật về phương pháp nuôi dưỡng sinh học (biological nurturing)

0
889

Các bà mẹ bỉm sữa cần ghi nhớ điều này:

  • Trẻ sơ sinh là một THAI NHI, vừa trải qua những sự thay đổi lớn.
  • Trẻ sơ sinh cần được nuôi dưỡng sinh học để phát triển không gián đoạn.

Trẻ sơ sinh cần cảm thấy yêu thương, cần biết là có mẹ ngay từ lúc chào đời.” blogmebimsua.com nhớ đến bài thơ “Bầu trời trong quả trứng” của Xuân Quỳnh:

“Tôi cũng không hiểu rõ 

Tôi sinh ra vì sao

Tôi đạp vỡ màu nâu 

Bầu trời trong quả trứng 

Bỗng thấy nhiều gió lộng 

Bỗng thấy nhiều nắng reo 

Bỗng tôi thấy thương yêu 

Tôi biết là có mẹ…”

Phương pháp “nuôi dưỡng sinh học” (biological nurturing) là gì?

Trước tiên, chúng ta luôn luôn phải nhớ rằng bé, khi còn là thai nhi, đã được nuôi dưỡng sinh học bên trong cơ thể mẹ trong 9 tháng. Thai nhi được cung cấp môi trường nhiệt độ ấm áp ổn định từ thân nhiệt của mẹ, được bao bọc trong môi trường tiệt trùng của nước ối, được nghe hơi thở, nhịp tim, tiếng nói của mẹ, được cung cấp tất cả dưỡng chất và oxy qua dây nhau của mẹ.

Thế mà chỉ sau vài phút, tất cả thế giới của bé thay đổi hoàn toàn: “từ thế giới bào thai vào thế giới rộng lớn” (from womb to world). Do đó, chúng ta phải hiểu rằng nuôi dưỡng sinh học sau khi bé sinh ra là tạo mối liên kết, là giai đoạn chuyển tiếp tối cần thiết giữa thế giới bào thai và thế giới này cho bé.

  nuôi dưỡng sinh học

Việt Nam, và một số nơi trên thế giới vẫn áp dụng theo pp cũ, hầu như tất cả trẻ sơ sinh luôn được quấn chặt trong khăn và được nằm riêng, hoặc người khác bế, vì sợ bé lạnh, vì sợ bé bám hơi mẹ, sau này con không tách được mẹ để mẹ đi làm, do đó pp mẹ ấp con không có ở Việt Nam — ngoại trừ một số trường hợp đặc biệt bé sinh non, được nuôi kiểu Kangaroo (KMC – Kangaroo Mother Care).

Phương pháp mẹ ấp con “da-tiếp-da” (skin-to-skin) và kiểu Kangaroo đã được chứng minh có năng lực tiếp tục nuôi bé phát triển và hoàn chỉnh hiệu quả nhất. Tuy nhiên, chủ yếu được áp dụng để nuôi bé sinh non. Từ đầu những năm 2000, phương pháp da-tiếp-da này đã được thực hành tại các bệnh viện trên thế giới và được WHO đặc biệt khuyến khích cho TẤT CẢ trẻ sơ sinh, kể cả trẻ sinh đủ tháng và mạnh khoẻ.

Không có bằng chứng khoa học nào cho thấy rằng bé được nuôi theo phương pháp da-tiếp-da bị bám hơi mẹ hơn những trẻ em khác. Ngược lại, trẻ được nuôi bằng phương pháp nuôi dưỡng sinh học phát triển tốt, thể hiện sự tự tin trong các bước phát triển tiếp theo.

>>> Đọc thêm: Tất tần tật về khớp ngậm đúng giúp mẹ đủ sữa

Phương pháp nuôi dưỡng sinh học có những lợi ích gì?

Tăng cường việc tiếp tục phát triển não 

Da-tiếp-da là một trải nghiệm “đa giác quan” (multi-sensory) giúp gia tăng sự phát triển các mạch thần kinh và sự trưởng thành của não bộ. Ngoài ra, nghiên cứu cho thấy trẻ sơ sinh được ấp kiểu Kangaroo có được nhiều thời gian ngủ yên và sâu, giúp mạng lưới thần kinh tổ chức các mẫu tương tác và phát triển não.

Giúp trẻ an tâm

Được mẹ ấp da-tiếp-da kiểu Kangaroo, chỉ sau 20′, nồng độ hoóc môn stress cortisol đo được giảm đi đáng kể (hoóc môn này được phát ra một cách tự nhiên trong những phút đầu sau khi chào đời, giúp kích hoạt một số tuyến thần kinh, hoóc môn và men nội tại). Và, đặc biệt là cảm giác đau của bé cũng giảm đi đáng kể (cũng tự nhiên tại gan vài phút đầu chào đời, khi hệ tuần hệ tuần hoàn thai nhi chuyển thành hệ tuần hoàn sơ sinh). Kết quả là, trẻ sơ sinh, được mẹ ấp thường xuyên ít khóc hơn và ít bị kích động hơn.

nuôi dưỡng sinh học

Ổn định thân nhiệt cho trẻ

Mặc dù, trẻ sơ sinh mạnh khoẻ có khoảng 2%-5% trọng lượng cơ thể là mô mỡ nâu (brown adipose tissue) giúp giữ ấm cơ thể bé, bé vẫn cần được da-tiếp-da với mẹ để điều chỉnh và ổn định thân nhiệt, bởi vì duy trì nhiệt độ cơ thể ổn định là điều cần thiết cho sự phát triển liên tục của trẻ sơ sinh. Trong vòng vài phút sau khi mẹ bắt đầu ấp con, phần ngực của mẹ tự động điều chỉnh để “làm mát” hoặc “sưởi ấm” cho bé, để đáp ứng đúng nhiệt độ cơ thể cần thiết, gọi là “cơ chế điều nhiệt” (thermoregulation). Thật là kỳ diệu, đối với mẹ sinh đôi, sinh ba và ấp tiếp da nhiều bé cùng một lúc, từng phần da ngực của mẹ có thể điều nhiệt để đáp ứng thân nhiệt riêng của mỗi bé trong cùng một lúc!

Hỗ trợ phát triển hệ miễn nhiễm

Hệ thống miễn dịch của em bé được kích thích khi được mẹ ấp da-tiếp-da. Hệ thống miễn dịch trưởng thành của mẹ truyền các kháng thể thông qua làn da của mẹ và sữa mẹ cho bé, tăng độ ẩm cho da bé và tạo một lớp bảo vệ chống vi khuẩn có hại thâm nhập qua da của bé.

Hấp thụ dinh dưỡng tốt

Phương pháp mẹ ấp con giúp giảm hoóc môn stress cortisol + somatostatin ở trẻ sơ sinh, giúp bé hấp thụ tốt nhất sữa non của mẹ và chuyển hoá năng lượng dự trữ từ glycogen và mô mỡ trắng(*), giúp tiêu hoá và hấp thu dưỡng chất tốt hơn, giúp nuôi não tối ưu và giảm các vấn đề tiêu hóa. Chỉ sau một giờ da-tiếp-da, hệ tiêu hóa của trẻ sơ sinh khôi phục lại sự cân bằng tạo nên “chức năng tiêu hóa” (GI function) tối ưu.

Ổn định nhịp tim và nhịp thở

Như được “dẫn dắt” bởi nhịp tim và nhịp thở đều đặn của mẹ, và sự điều tiết tối ưu của các hoóc môn cần thiết, nên khi được tiếp da với mẹ, cơ thể bé học cách tự điều chỉnh để có nhịp thở và nhịp tim ổn định. Khảo sát cho thấy 75% trường hợp hơi thở yếu và nhịp tim chậm được tự điều chỉnh chỉ nhờ được mẹ ấp da-tiếp-da.

nuôi dưỡng sinh học

Gia tăng khả năng bú mẹ

Nghiên cứu cho thấy trẻ sơ sinh được mẹ ấp tiếp da sớm ngay sau khi chào đời, có khả năng bú mẹ trong giờ đầu tiên gấp hai lần so với trẻ được quấn khăn. 60 phút da-tiếp-da làm tăng hoóc môn prolactin ở mẹ giúp tạo sữa và giúp bé bú mẹ liên tục.

Ngoài ra, phương pháp mẹ ấp con da-tiếp-da và cho con bú mẹ sớm còn giúp mẹ giảm những hoóc môn cần giảm, gia tăng những hoóc môn cần tăng, giúp mẹ phục hồi tâm lý và cơ thể sau khi sinh một cách nhanh chóng và tự nhiên.

Cách mẹ thực hành “nuôi dưỡng sinh học” bé sơ sinh

Bé chỉ mặc tã, người để trần được áp trên ngực trần của mẹ. Bé được đắp khăn che kín lưng, hoặc được ấp trên ngực trần của mẹ bên trong áo mẹ. Thời gian ấp càng sớm càng tốt ngay sau khi chào đời trong ít nhất 1 tiếng 1 lần, và càng liên tục càng tốt. Và bé được bú ti sữa non mẹ trực tiếp càng sớm càng tốt, từ 8 – 12 cữ trong 3 ngày đầu tiên, nếu có thể, tiếp tục trong tuần đầu tiên.

Kết luận:

Thế nên khi trẻ sơ sinh khóc, chúng ta có hai cách hiểu và hai lựa chọn:

1- Cho rằng bé khóc vì đói, cho rằng sữa non của mẹ không đủ no, nên cho bé bú 1 bình sữa công thức. Kết quả: bé ngừng khóc và ngủ do chất gây buồn ngủ casomorphin trong casien protein của sữa bò, thành phần chính của sữa công thức.

2- Hiểu rằng bé khóc do stress vì bị bất ngờ tách rời khỏi mẹ, nên cho bé được ấp da-tiếp-da với mẹ. Kết quả: bé ngừng khóc và ngủ say và hưởng được trọn vẹn 7 lợi ích kể trên.

Từ kiến thức bài viết cung cấp, blogmebimsua.com hy vọng các bố mẹ, ông bà lựa chọn cách 2 (đúng nhưng hiếm thấy ở VN) thay vì cách 1 (sai nhưng rất phổ biến), để bé được phát triển tối ưu. Phương pháp nuôi dưỡng sinh học là điều tối cần thiết cho sự phát triển của trẻ.

(Tham khảo)