Bạn có bao giờ tự hỏi những câu hỏi này chưa:
- Vì sao cho bé nút rát ti và sữa không về?
- Vì sao bơm liên tục mà sữa vẫn mấy ngày không về?
- Tại sao massage bầu vú, vê đầu ti, làm đủ thứ cách mà sữa không về?
- Vì sao cho bé bú mẹ 100%, nhưng vẫn không đủ sữa
- Vì sao bị nứt cổ gà, tắt tuyến sữa?
…
Câu trả lời cho tất cả các câu hỏi này là : Khớp ngậm đúng (a good latch) khi bú mẹ. Các mẹ tham khảo nội dung dưới đây của blogmebimsua.com và hình vẽ minh hoạ nhé.
Nội dung bài viết
Khớp ngậm đúng là như thế nào, mô tả khớp ngậm đúng
Khớp ngậm đúng chính là điểm quan trọng nhất quyết định cách cho con bú của các mẹ bỉm sữa có khoa học hay không. Khớp ngậm đúng được mô tả như sau:
1- Cằm bé cắm sâu vào bầu vú mẹ
2- Đầu bé ngửa ra (góc giữa cằm cổ khoảng 140o)
3- Lưỡi của bé đưa ra phía trước, đè lên nướu dưới
4- Miệng bé mở rộng (như cá đớp mồi), không chỉ ngậm đầu ti và ngậm sâu vào quầng vú.
5- Bé ngậm nhiều quầng vú dưới hơn quầng vú trên. (Đỉnh đầu ti sẽ chạm sát vòm trên trong họng bé.)
6- Mẹ không có cảm giác đau hay khó chịu khi bé nút.
7- Khớp bám rất chắc cho dù lúc bé ngưng nút.
8- Bé nút nhanh ngay lúc đầu (massage), sau đó khi có sữa bé nút, nuốt, thở, thỉnh thoảng nghỉ vài phút rồi lại nút tiêp.
Cơ sở khoa học của khớp ngậm đúng
1- Từ giữa thai kỳ cho đến 30-40 giờ sau khi sinh, cơ chế sinh sữa và tạo sữa được điều khiển bởi hoóc môn (“endocrine/ hormonal control”) – 2 hoóc môn chính là hoóc môn prolactin tạo sữa và hoóc môn oxytocin tiết sữa. Vậy nên, mặc dù sữa non đã được tạo sẵn trong thai kỳ sẽ không tiết ra cho đến khi có sự kích thích của hoóc môn oxytocin.
2- Có một số yếu tố khác giúp não xuất hoóc môn oxytocin sau khi sinh bao gồm:
Mẹ tiếp da với trẻ sơ sinh, ngay trong giờ đầu sau khi sinh (càng sớm càng tốt)
Tại quầng vú mẹ có đầu dây thần kinh kích thích lên não, kích thích hoóc môn oxytocin, vị trí của đầu dây thần kinh này được xác định ở trên quầng vú, cách chân ti 1cm-1.5cm, góc 7 giờ ở vú phải và đối xứng góc 5 giờ ở vú trái. (các mẹ chú ý nhé)
Ở một số mẹ, chỉ cần nghe con khóc, nhìn ảnh con (nếu con bị cách ly) cũng có thể kích thích được hoóc môn này.
Lợi ích của khớp ngậm đúng
1- Giúp lưỡi massage vào đúng đầu dây thần kinh nói trên, phản xạ tiết sữa mất khoảng 2 phút từ khi đầu dây thần kinh được kích thích.
2- Giúp lưỡi và vòm họng trên “ép vắt sữa” ngay phần ống dẫn sữa phình ra to nhất mỗi đợt tiết sữa, giúp bé bú được nhiều hơn, ống sữa thông nhanh hơn.
3 – Vị trí cổ ngửa giúp bé nuốt dễ hơn (cm thử tự nuốt khi ngửa cổ và gập cổ, sẽ thấy góc hàm cổ 140o là dễ nuốt nhất), đồng thời khi đầu bé k tì lên ngực mẹ giúp các ống sữa chảy thông thoáng hơn.
4- Giúp tạo nên sự chênh lệch áp suất trong họng và bên ngoài tạo thành lực hút ổn định và “bám chắc”, giúp tối ưu lượng sữa truyền từ mẹ sang con.
>>> Đọc thêm: 3 nguyên tắc “vàng” để tăng lượng sữa mẹ cho trẻ sơ sinh
Các bước để có khớp ngậm đúng
1- Mẹ chọn tư thế nằm hoặc ngồi thoải mái, người bé áp sát vào người mẹ (tiếp da càng tốt).
2- Lau đầu ti mẹ bằng nước sạch (hoặc khi đã có sữa, thì lau bằng sữa mẹ)
3- Đưa đỉnh ti chạm môi trên của bé, nếu bé sẵn sàng để bú, bé sẽ há miệng rộng (chú ý xem lưỡi bé lè dài ra phía trước).
4- Một bàn tay mẹ đỡ cổ bé, để đầu bé ngửa ra thoải mái, cằm bé tựa bầu vú mẹ (phần dưới).
5- Bàn tay kia tạo thành chữ C, ngón tay cái ấn nhẹ phía trên để hướng đỉnh ti lên phía môi trên của bé.
6- Đặt môi dưới của bé vào mép dưới của quầng vú (khoảng 1.5cm từ chân ti) cho bé bắt đầu ngậm từ môi dưới.
7- Đỉnh đầu ti lọt qua môi trên vào miệng bé, bé sẽ tự động ngậm được sâu và chắc.
8- Nếu bé không mở miệng lớn và không lè lưỡi dài ra, mẹ để đầu ti chạm đầu mũi bé, bé sẽ cố mở miệng rộng, mẹ dùng đầu ngón tay trêu đầu lưỡi bé, để bé thè lưỡi dài ra, rồi sau đó mẹ thực hiện trong vài giây 6 bước mô tả trên hình minh hoạ. Trong thời gian tập cho bé há miệng rộng và lè lưỡi dài ra để đón ti mẹ, các mẹ không cho bé ngậm ti giả hay ti bình nhé.
Dấu hiệu bú sai khớp ngậm
1- Bé nằm quá cao hoặc xa mẹ, cổ bị gập lại.
2- Bé ngậm đầu ti, thay vì quầng vú (bé bú ti bình, ti giả trước – vì ti giả ngậm rất cạn, lưỡi co vào sau nướu dưới khi bú)
3- Bé không đói hoặc chưa thật sự cần bú (có thể vì đã bú sữa ngoài hoăc buồn ngủ), không há miệng đủ to để ngậm sâu
4- Ngực mẹ quá căng, nên quầng vú không ép vào được (vắt bớt vài giọt sữa, và massage quầng vú cho mềm trước khi cho bé bú.
Điều gì xảy ra khi không có khớp ngậm đúng
1- Bé dễ bị tuột ra trong khi bú, khi chưa bú đủ
2- Sữa non chậm tiết, sữa già xuống không đủ hoăc ít dần
3- Đầu ti mẹ bị đau (vì đầu ti nhạy cảm để sữa ra, không phải để ngậm/ nút), gây “nứt cổ gà”
Blog mẹ bỉm sữa tin rằng với chiếc “chìa khoá vàng này” các mẹ sẽ thành công trong công cuộc nuôi con bằng sữa mẹ!
(Theo chuyên gia Betibuti)